Tập trung phát triển thủy sản

Nhằm thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu lên từ biển, từ năm 2014 Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ đó đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; thực hiện ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về giống để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh…

{keywords}
 

Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi, an toàn và thân thiện, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư; chủ động trong việc hướng dẫn, giải quyết, phúc đáp cho nhà đầu tư các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản.

Để phát triển kinh tế thủy sản, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng và phát triển các thương thủy sản như: mực ống Cô Tô, cá duội Cô Tô, sá sùng Vân Đồn, tu hài Vân Đồn, chả mực Hạ Long, ngán Quảng Ninh, ghẹ Trà Cổ, tôm chân trắng Móng Cái, cua biển Quảng Yên. Đồng thời, tỉnh xác lập quyền sở hữu trí tuệ và các công cụ quản lý nhãn hiệu; các công cụ hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm quy trình sản xuất, chế biến và các điều kiện đảm bảo sản phẩm sạch, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng phương án phát triển thị trường, đưa sản phẩm ra thị trường.

Phấn đấu đạt mục tiêu lớn

Với những bước đi đúng đắn, ngành Thủy sản Quảng Ninh đã có những bứt phá vượt bậc. Năm 2018, tổng sản lượng thuỷ sản 124.326 tấn, gấp 7,9 lần so vớn năm 1995; trong đó khai thác 66.013 tấn, nuôi trồng 58.313 tấn, gấp 25 lần so với năm 1995, đưa tổng giá trị ước đạt  10.727,5 tỷ đồng theo giá trị sản xuất hiện hành, đóng góp 53,5% giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho trên 62.000 lao động.

Đời sống ngư dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của lao động ngành thủy sản năm 2018 đạt từ 7-8 triệu đồng/người/tháng (tăng 3-3,5 triệu đồng so với năm 2013). Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 14,5% năm 1995 lên hơn 46% năm 2018.

Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh đã tăng về quy mô: Vùng nuôi tôm 3.658 ha; nuôi nhuyễn thể 3.700 ha; nuôi cá song 715 ha; nuôi ghẹ 35 ha; nuôi cua kết hợp cá, tôm 5.338 ha; nuôi thủy sản nước ngọt 1450 ha.

Năm 2013, số tàu có công suất trên 90CV hoạt động ở vùng khơi chỉ có trên 200 tàu, thì nay đã có gần 700 tàu (tăng 173% so với mục tiêu Nghị quyết đặt ra cho năm 2020, tăng 3,5 lần so với năm 2013).

{keywords}
 

Bên cạnh đó, hạ tầng vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung được tỉnh chú trọng quan tâm. Có thể kể đến các dự án lớn như dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà với tổng mức đầu tư 169,9 tỷ đồng, quy mô 125 ha, công suất khoảng 3,5 tỷ tôm giống, nhuyễn thể, cá biển; Dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn với tổng mức đầu tư hơn 213,3 tỷ đồng, tổng diện tích dự án 300 ha, công suất 1,5 tỷ giống/năm; Dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thủy sản tại Đầm Hà, quy mô 187 ha với năng suất nuôi tôm thương phẩm khoảng 100-300 tấn/ha/năm. Mới đây Quảng Ninh cũng đã phê duyệt phê Đề án Thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng.

Quảng Ninh vẫn đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 13 của tỉnh đã đề ra. Đến năm 2020, ngành thủy sản Quảng Ninh có tổng sản lượng đạt 130.000 tấn (khai thác đạt 60.000 tấn, nuôi trồng đạt 70.000 tấn); kinh tế thủy sản chiếm trên 3% GRDP của tỉnh, đóng góp từ 60-65% GRDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; giá trị sản xuất đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động; hình thành 3 Trung tâm nghề cá và 1 Trung tâm thương mại nghề cá; chủ động sản xuất được giống các đối tượng nuôi chủ lực.

N.Hân