Tập trung nhiều nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển, đảo, gắn với bảo vệ môi trường, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hải, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ từ biển.

Phát huy tiềm năng

Với lợi thế về vị trí địa lý, Quảng Ninh có đường bờ biển dài trên 250km, diện tích mặt biển rộng trên 6.100 km2 và trên 40.000 ha bãi triều, 20.000 ha eo vịnh với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long… Phát huy tiềm năng, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển các ngành kinh tế biển như hàng hải, các loại hình dịch vụ sau cảng; khu công nghiệp ven biển; du lịch, dịch vụ; nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ sản...

Là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, Quảng Ninh tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cảng biển. Trong đó, trọng tâm phát triển cảng biển Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng, Hải Hà), 6 bến cảng (Hòn Gai, Vạn Gia, Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Cô Tô), các bến phao và khu neo đậu chuyển tải với hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển đồng bộ.

{keywords}
 

Trong đó, Cái Lân sẽ là khu bến chính của cảng biển Quảng Ninh, gồm các bến cảng tổng hợp và container, bến chuyên dụng, tập trung duy trì khai thác cho tàu tổng hợp đến 50.000 tấn, tàu container đến 4.000 Teus, năng lực thông quan đạt khoảng 25 - 33 triệu tấn/năm vào năm 2020 và khoảng 35 - 40 triệu tấn/năm vào năm 2030. Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai sau khi đầu tư hoàn thành vào cuối năm sẽ tiếp nhận tàu khách du lịch Bắc - Nam, tàu khách quốc tế có trọng tải từ 100.000 - 225.000GT.

Để phát triển du lịch biển đảo, Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Hiện khu vực ven biển có gần 1.200 cơ sở lưu trú, cung ứng trên 19.000 buồng, phòng; nhiều công trình, cơ sở, hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển đã và đang được hoàn thiện, tạo sức hút lớn với du khách.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tập trung đầu tư các bến cập tàu, khu neo đậu, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, chú trọng hình thành các khu nuôi tập trung, nhân rộng các đối tượng nuôi mới có hiệu quả theo hướng thâm canh, bán thâm canh theo quy mô công nghiệp và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất giống và đã hình thành 2 trung tâm giống thủy sản tại Đầm Hà, Vân Đồn; 3 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản với giá trị chế biến xuất khẩu ước đạt 20 triệu USD/năm; 14 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa.

Gắn với bảo vệ môi trường

Để phát triển bền vững, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch sắp xếp lại các cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than, xóa bỏ các bến, bãi chế biến và xuất than nhỏ lẻ dọc ven bờ Vịnh Cửa Lục, Vịnh Hạ Long và tại Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ; xây dựng tuyến đường chuyên dùng vận chuyển than, thay đổi dần phương thức vận chuyển than bằng ô tô sang các phương thức vận tải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường các khu đô thị, địa bàn đông dân cư. Chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng và dăm gỗ trên Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó tỉnh đã di dời các làng chài trên Vịnh Hạ Long về khu tái định cư tại phường Hà Phong (TP Hạ Long), hoàn thành di dời các nhà bè kinh doanh không theo quy hoạch trên Vịnh Hạ Long.

Trong lĩnh vực phát triển ngành thủy sản, tỉnh định hướng các địa phương tập trung nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững với môi trường, áp dụng tiến bộ KHCN ở các vùng bãi triều, hạn chế tình trạng nuôi quảng canh và di chuyển các lồng bè ra khỏi khu vực bảo tồn di sản; khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thuỷ sản công nghệ cao. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô và các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tại các điểm dọc tuyến biển.  

{keywords}
 

Nhờ các giải pháp thiết thực, định hướng đúng đắn, kinh tế biển Quảng Ninh phát triển tích cực. Từ năm 2016 đến nay, lượng hàng hóa thông qua các cảng Quảng Ninh đạt 205,5 triệu tấn; thu hút 37.648 lượt tàu biển và 270.312 hành khách, thu phí và lệ phí qua cảng đạt 778,5 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm, đã có 18.019 chuyến tàu biển làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lượng hàng hóa thông qua đạt gần 59 triệu tấn, tăng 37% so cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, các ngành khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển và kinh tế biển đảo... đều có tốc động tăng trưởng nhanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Kinh tế biển, đảo giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế năng động, phát triển theo cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, mạnh và bền vững.

Ng.Hân (tổng hợp)