Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc cả trên bộ và trên biển, địa hình phức tạp. Vì vậy, công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng mua bán người trên khắp cả nước, trong đó có Quảng Ninh diễn biến phức tạp. Tội phạm mua bán người hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn mới hòng qua mặt cơ quan chức năng. Vì vậy, tỉnh đặt quyết tâm cao độ, triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, giữ vững an ninh trật tự nơi biên giới.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Để phòng ngừa tội phạm mua, bán người, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền với hình thức đa dạng, trực quan sinh động. TP Hạ Long in ấn và treo 500 pano, áp phích khẩu hiệu treo dọc tuyến Quốc lộ 18A đoạn đi qua TP Hạ Long và các tuyến phố chính. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội in ấn hơn 8.000 sổ tay hỏi, đáp chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người để cấp phát cho cộng tác viên, người uy tín tại địa phương.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 5 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới... Công an tỉnh và Công an 13 địa phương trên địa bàn đều treo pano, áp phích trước trụ sở đơn vị với khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống mua bán người.
UBND tỉnh Quảng Ninh duy trì mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” từ nguồn ngân sách tỉnh, bằng việc thí điểm 5 câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại 5 phường trên địa bàn TP Hạ Long. Các câu lạc bộ đều đặn sinh hoạt hàng tháng; tập huấn về kỹ năng tiếp cận, truyền thông về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán, hướng dẫn, chuẩn bị các nội dung truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người; nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, quan tâm, hỗ trợ, động viên các nạn nhân...
Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát
Nhận định rõ tình hình tội phạm mua bán người tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, vùng biển; trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, phân loại các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động tội phạm mua bán người. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân được các lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về.
“Trong năm 2023, qua công tác tiếp nhận, trao trả và sàng lọc, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã phát hiện 14 đối tượng tội phạm truy nã, 5 công dân của Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc", Thượng tá Diệp Mạnh Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thông tin.
Với các nạn nhân bị lừa bán, Đồn biên phòng Móng Cái đã tuyên truyền, hướng dẫn từng cá nhân khi về địa phương tuyên truyền cho gia đình, xã hội để phòng ngừa, giúp người dân nắm rõ được thủ đoạn, phương thức của các loại tội phạm mua bán người và tố giác các đối tượng lừa bán với các cấp chính quyền để xử lý nghiêm.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài và quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người. Lực lượng công an triển khai Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn năm 2023; tổ chức tổng rà soát, lên danh sách theo các diện đối tượng, như số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi bị mua bán; số nạn nhân trong các vụ án hiện còn ở nước ngoài; số đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội mua bán người… Trên cơ sở đó triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Tháng 9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động của Tổng đài đường dây nóng miễn phí tại Trung tâm (18001769), trực 24/24h để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp.
Trung tâm cũng hướng dẫn 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn duy trì lắp đặt 177 pano tuyên truyền về Ngôi nhà Ánh Dương nhằm quảng bá công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và nạn nhân bị mua bán; kiện toàn hội đồng tư vấn, trợ giúp, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán... cho nạn nhân bị mua bán khi có nhu cầu.
Tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, hiện có 3 trẻ em bị mua bán trở về đang được chăm sóc, 3 trẻ đều dưới 16 tuổi. Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở đã trở thành mái nhà ấm áp, thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo các em nhỏ tại đây được học tập, phát triển khả năng của bản thân.
Năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp nhận 10 nạn nhân bị mua bán. Cụ thể, Phòng LĐTB&XH Móng Cái phối hợp với Công an thành phố và Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tiếp nhận 8 nạn nhân trở về từ Trung Quốc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều tra 1 vụ với 3 đối tượng (Đào Duy Lâm, 35 tuổi, trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long; Nguyễn Thế Anh, 44 tuổi và Lê Thị Sen, 29 tuổi, trú tại phường Thọ Sơn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi; qua đó giải cứu thành công 3 nạn nhân nữ (2 nạn nhân bị đưa ra Quảng Ninh). Ngày 12/12/2023, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt từ 12 đến 14 năm tù giam về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Quỳnh Nga