Để giúp người dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao với chi phí thấp, thu về giá trị kinh tế cao từ những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định phải thực hiện chuyển đổi số và coi đây là giải pháp chiến lược, quan trọng để phát triển bền vững.

Toàn tỉnh có trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi, 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm. 

W-nongsan.png
Toàn tỉnh có trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP

Mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp Quảng Ninh là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và bấm nút khởi động tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Đây là bước chuyển căn bản thay đổi phương thức tiêu thụ nông sản của người nông dân trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay. Ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

Trước mắt, với hệ thống được xây dựng, Sở đã cung cấp thông tin của 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh tới các siêu thị, chợ và 27 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. 

Dự kiến, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu thì việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đặt ra, ngoài sự nỗ lực của đơn vị quản lý và sự phối hợp tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ngành rất cần sự định hướng, hỗ trợ của tỉnh, nhất là trong việc xây dựng thống nhất được hạ tầng phần cứng và phần mềm cùng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh.