Nhằm tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người, Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh (Ban Chỉ đạo 138/QN) đã ban hành Văn bản số 722/BCĐ-NC ngày 14/7/2023 đề nghị các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/QN và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện công tác này. Cụ thể:

Công an tỉnh phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/QN trong tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người. 

Các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai đồng bộ công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác giới thiệu việc làm, đưa nguời lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam... để góp phần chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người.

Rà soát, nghiên cứu những bất cập, hạn chế trong các chính sách, pháp luật liên quan đến nạn nhân bị mua bán (như chính sách hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân; hỗ trợ học nghề, học văn hóa, vay vốn; chính sách đặc thù cho các nạn nhân là nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ không có quốc tịch...) để tham mưu hoàn thiện.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người. Xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; đưa nội dung thông tin ngày 30/7 là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người trên các ấn phẩm, tạp chí...

Trung tâm Truyền thông tỉnh triển khai cao điểm tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người. Đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người, tập trung phát sóng vào khung giờ có nhiều người theo dõi.

Chủ động xây dựng, phát sóng, đăng tải các tin bài, phóng sự, tọa đàm về chủ đề phòng, chống mua bán người; đưa tin về các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người, Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 trong các bản tin thời sự.

Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến mua bán người. Tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, tính chất vụ việc và địa bàn. 

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, đảm bảo đúng pháp luật.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng. Nhân rộng mô hình dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng để góp phần ổn định cuộc sổng, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người. Quan tâm thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Quỳnh Nga