Bên cạnh các biện pháp giữ vững địa bàn an toàn, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình mới.
Tăng cường kết nối, đẩy mạnh thương mại điện tử
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp khá nhiều khó khăn. Để khắc phục vấn đề này, Quảng Ninh tích cực triển khai giải pháp tìm đầu ra cho nông sản địa phương.
Thời gian qua, ngành Công thương Quảng Ninh đã tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận; đồng thời làm việc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản. Một trong những hoạt động nổi bật là triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối trên các kênh, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghệp |
Các doanh nghiệp sản xuất OCOP tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ tham gia “gian hàng Việt trực tuyến” và kết nối với các sàn TMĐT uy tín như: Sendo, Voso... từ đó được hưởng chính sách hỗ trợ của Bộ Công thương cũng như của các sàn, các đơn vị chuyển phát, trung gian thanh toán. Nhiều nông sản, thực phẩm của tỉnh đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, sàn TMĐT kết nối tiêu thụ, quảng bá đến với người tiêu dùng.
Hiện có khoảng trên 10 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…. Các sản phẩm OCOP cũng được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị với 42 mặt hàng, 43 mã hàng. Các doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh cũng đã có mặt trên các sàn TMĐT lớn với 136 sản phẩm trên Posmart, 121 sản phẩm trên Voso, 109 sản phẩm trên Sendo…, được người tiêu dùng đón nhận.
Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong các cuộc họp, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn nhấn mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp là công việc trọng tâm, quan trọng và thường xuyên của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, Quảng Ninh cũng triển khai tích cực các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch, vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho lao động, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Được biết, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 18 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, với số tiền 5,3 tỷ đồng để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, tính đến ngày 20/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 5.532 đơn vị, doanh nghiệp và 214.304 người lao động được phê duyệt hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 44 tỷ đồng. Trong đó: Giảm mức đóng bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.504 doanh nghiệp (201.066 người) với số tiền gần 17,1 tỷ đồng; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 2 doanh nghiệp (505 người) với số tiền gần 3,4 tỷ đồng; Hỗ trợ 26 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc 457 người lao động với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng…
Nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, Cục Thuế và các chi cục thuế tại Quảng Ninh đã gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021, với tổng số tiền trên 584,7 tỷ đồng; trong đó: thuế giá trị gia tăng là 364,6 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 182 tỷ đồng, tiền thuê đất là 37,8 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng chống dịch của các cấp chính quyền. Bên cạnh các biện pháp giữ vững địa bàn an toàn, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình mới, tạo việc làm cho người lao động.
Quảng Ninh đang tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy, kích cầu dịch vụ, du lịch, triển khai phương án đón khách du lịch đã tiêm phòng Covid-19. Tỉnh cũng có kế hoạch phân bổ hiệu quả nguồn vắc xin phòng Covid-19 cho lao động trong lĩnh vực vận tải, giao nhận, du lịch, nhà hàng, khách sạn, siêu thị…, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh an toàn.
Với sự hỗ trợ kịp thời, tỉnh Quảng Ninh sát cánh cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh quyết tâm đạt doanh thu ngân sách nhà nước 51.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số.
M.M