Đẩy mạnh dạy và học trên môi trường số
Mục tiêu của ngành giáo dục Quảng Ninh đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục, trong đó tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học.
Năm 2023, tỉnh đã giao kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 440 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông minh, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Từ đó, các trường học mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn.
Đơn cử, tại Trường Tiểu học Hạ Long (TP. Hạ Long), chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối Internet, giáo viên có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp theo hình thức trắc nghiệm, nhờ ứng dụng Plickers. Cụ thể, mỗi học sinh được cấp 1 thẻ in trên giấy có 4 cạnh tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D. Mỗi câu hỏi, khi học sinh chọn đáp án nào thì để cạnh đáp án đó lên phía trên có mã code, giáo viên dùng điện thoại quét đọc đáp án; đáp án tự động nạp vào hệ thống, tổng điểm của mỗi học sinh hiện trên màn hình ngay lập tức. Ứng dụng giúp giáo viên tổ chức ôn tập bài, nắm bắt mức độ nhận thức, kiến thức của học sinh để kịp thời đưa ra các biện pháp giúp các em học tập hiệu quả hơn.
Hay như những tiết học Địa lý của học sinh khối 9, Trường THCS Ngô Quyền (TP. Cẩm Phả) đã được giáo viên truyền thụ nhờ các phần mềm đồ hoạ, bản đồ tương tác, video để minh hoạ các khái niệm địa lý phức tạp. Từ đó giúp học sinh dễ dàng hiểu và tạo sự tương tác, hứng thú với nội dung học.
Nổi bật, TX Đông Triều là một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Từ năm 2013, TX Đông Triều đã đầu tư 75 phòng học thông minh từ bậc mầm non đến THCS, với trang thiết bị hiện đại kết nối internet như: máy chiếu, bảng thông minh, ti vi, hệ thống camera, loa, máy tính xách tay… Ngành giáo dục Đông Triều cũng đang trong lộ trình xây dựng mô hình “trường học điện tử”, “lớp học điện tử” tại 8-10 trường từ cấp mầm non đến THCS, hướng tới xây dựng “trường học số”; xây dựng hệ thống quản lý giáo dục thông minh trên cơ sở khai thác hiệu quả các phòng học, trường học hiện đại đã được đầu tư…
Quy trình làm việc của giáo viên như soạn giáo án, kế hoạch, lên lịch báo giảng, kiểm tra đánh giá học sinh, tổng hợp báo cáo dần được thực hiện thông qua hồ sơ, sổ sách điện tử.
Ứng dụng công nghệ số toàn diện trong ngành giáo dục
Bên cạnh đẩy mạnh dạy và học trên môi trường số, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đó, hiện toàn bộ thông tin của 22.000 cán bộ giáo viên, 352.000 học sinh trên toàn tỉnh đã được cập nhật lên và quản lý bằng phần mềm trực tuyến. Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
Toàn bộ các trường tiểu học, trung học trong tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện kí số trên các văn bản lưu thông trên mạng; hoàn thiện các thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục; cập nhật, chuẩn hoá hệ thống quản lý trường học… 100% cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác bằng phương thức không dùng tiền mặt; tổ chức đăng ký tuyển sinh tiếp tục được thực hiện trên môi trường số…
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong đó, đặt ra mục tiêu chung là triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh hướng tới tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, nhằm thay đổi theo chiều hướng tích cực cách thức quản lý, làm việc. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và nhà quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, được đào tạo kỹ năng và phương pháp giảng dạy phù hợp triển khai đào tạo trên môi trường số. Các chương trình đào tạo cũng được tích hợp năng lực số, nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp và kho học liệu, tài nguyên số phục vụ cho hoạt động dạy và học; có hạ tầng số, nền tảng số phù hợp để kết nối và khai thác với nền tảng số quốc gia.
Mẫn Chi