Báo cáo với Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh Quảng Bình về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hồi tháng 4, huyện Quảng Trạch cho biết đầu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 5,19% (tương đương 1.751 hộ). Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 4,3% với 1.451 hộ nghèo. Với hộ cận nghèo, đầu năm 2023 tỷ lệ là 4,77%, đến cuối năm giảm còn 3,87%.

Toàn huyện Quảng Trạch hiện thực hiện các giải pháp nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện đặt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 0,54%, đưa tỷ lệ hộ nghèo về 3,76%; giải quyết việc làm cho khoảng 4.400 lao động.

Trên cơ sở các kế hoạch cụ thể, huyện Quảng Trạch đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để giảm nghèo, nhằm huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân. Huyện đa dạng hóa nguồn vốn cho công tác giảm nghèo; lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Mới đây, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Trạch hỗ trợ mô hình nuôi gà ri lai F1 bán chăn thả giúp cho 28 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Quảng Tùng phát triển sản xuất. Nhờ được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

W-giam ngheo dan toc.jpg
Các địa phương tại Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhằm huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân.

Đồng thời, huyện tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

Thông tin tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Trạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, lĩnh vực văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. 6 tháng đầu năm, huyện đã giải quyết việc làm cho 2.413 lao động, đạt 54,84% kế hoạch; 282 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2024, huyện Quảng Trạch tiếp tục tổ chức hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cho UBND các xã. Lãnh đạo UBND huyện cũng yêu cầu phê duyệt thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại các xã: Quảng Phương, Phù Hoá, Quảng Xuân, Quảng Châu, Quảng Hợp và Quảng Kim để triển khai thực hiện đúng thời gian quy định. Đây được xem là giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trong huyện thoát khỏi khó khăn về kinh tế.

Tại xã Quảng Hưng, hiện chỉ còn hơn 120 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều tới cuối năm 2023 là hơn 5%. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, đối tượng theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.  

Hiện nay, 100% hộ nghèo và hộ cận nghèo tại xã Quảng Hưng được cấp thẻ BHYT; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT theo đúng quy định. Xã cũng hướng tới việc giúp người nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác, như hỗ trợ khám chữa bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.

Lãnh đạo UBND xã Quảng Hưng cho biết các chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người nghèo, như hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, nhà ở, việc làm, thông tin, truyền thông…

Không chỉ ở xã Quảng Hưng, tại các xã, thị trấn trên toàn huyện Quảng Trạch, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tập trung vào mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã nghèo. 

Đặc biệt, không chỉ quan tâm tăng chiều thu nhập cho người dân mà các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các tổ chức tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, vốn vay ưu đãi); tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng...