Mới đây Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây không phải là bộ quy tắc mới, Dự thảo này đã được đưa ra từ năm 2015 nhưng chưa được thông qua.

Năm 2020, ông Đào Duy Anh (nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên) bị nhân viên cấp dưới tố có hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự. 

Theo tố cáo, chiều 3/8/2020, ông Đào Duy Anh gọi nữ nhân viên sở sang phòng làm việc rồi có hành động thiếu chuẩn mực ngay tại phòng riêng, khiến nữ nhân viên phải bỏ chạy khỏi phòng. 10 ngày sau khi xảy ra sự việc, ông Đào Duy Anh phải nhận kỷ luật cách chức. 

Trên thực tế, có bao nhiêu nữ nhân viên đủ dũng cảm đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục chốn công sở?

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Theo quan điểm của luật sư, thời gian gần đây, hành vi sàm sỡ, dâm ô, quấy rối tình dục... xảy ra nhiều ở nơi công cộng, trong môi trường làm việc, và người thực hiện hành vi là người có trình độ học thức, hiểu biết, văn hóa cao. 

Dù nhiều người đã bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng tình trạng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục nơi công cộng và trong môi trường làm việc vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng bất an cho nhiều người. 

Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, hiện khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục" trong hệ thống pháp luật Việt Nam rất nghèo nàn, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.

Các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện chưa thống nhất khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục". Chỉ có hai lĩnh vực là lĩnh vực lao động và xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự là có nhắc đến khái niệm này.  

Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có khái niệm "quấy rối tình dục", các nhận dạng, mô tả hành vi "quấy rối tình dục" là cần thiết. 

Khái niệm quấy rối tình dục

Luật sư cho rằng, theo cách hiểu thông thường và theo thông lệ quốc tế thì “quấy rối tình dục” có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kì người nào mà chưa được sự chấp thuận, làm ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, được thể hiện thông qua nhiều hình thức như hành động, lời nói, hình ảnh,... Có thể xảy ra ở bất cứ đâu như nơi công cộng, nơi làm việc hoặc thậm chí là trên các phương tiện xã hội. 

Như vậy, có thể thấy, đặc điểm của hành vi quấy rối tình dục là hành vi phải có tính chất tình dục (hành vi này lại đi đến khái niệm thế nào là tình dục...).

Hành vi này phải là hành vi mà người tiếp nhận nó không mong muốn nên tạo ra những cảm giác phiền hà, khó chịu, xấu hổ, bất an và có thể tạo ra sự nguy hiểm cho những người xung quanh. 

Hành vi quấy rối tình dục có thể ở mức độ lời nói, hành vi, cử chỉ không có tiếp xúc nhưng cũng có tác động đến tâm lý, suy nghĩ, lo lắng, xấu hổ, bất an, sợ hãi cho nạn nhân, liên quan đến các yếu tố tình dục.

Hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng hơn có thể ở dạng tiếp xúc cơ thể, tấn công tình dục, xâm hại tình dục, như dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm...

Bởi vậy, khái niệm quấy rối tình dục cần được hiểu một cách đầy đủ thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, các chuẩn mực xã hội chung, làm cơ sở để bảo vệ danh dự nhân phẩm, bảo vệ quyền con người. 

Khi có cách hiểu thống nhất, đầy đủ về quấy rối tình dục và nghiêm túc chấp hành thì quyền tự do tình dục của mỗi người sẽ được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo an toàn và là cơ sở để áp dụng các chế tài của pháp luật.

Tiến sỹ Đặng Văn Cường thể hiện quan điểm: “Tôi cho rằng, Dự thảo nghị định bộ quy tắc ứng xử lần này đưa ra khái niệm tương đối bao quát, đầy đủ và thống nhất với các khái niệm chung, thông dụng mà các quốc gia đang sử dụng hiện nay. 

Những hành vi bằng lời nói, ánh mắt có tính chất trêu ghẹo, khiêu khích như: nhìn chằm chằm vào ngực, vào mông... hay những hành vi nheo mắt, đá lưỡi... có tính chất tình dục, khiến người khác cảm thấy xấu hổ bất an, cảm thấy nguy cơ bị xâm hại tình dục thì đây cũng là hành vi quấy rối tình dục...”

T.Nhung