Ho ra máu là ho và khạc ra máu, vị trí chảy máu từ dưới thanh môn trở xuống. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở các khoa cấp cứu, hô hấp, thường dễ bị chẩn đoán nhầm. 

  

1. Làm gì để biết ho ra máu thực sự hay không?

  • Khạc ra máu khi cố gắng sức ho
  • Máu tự nhiên chảy ra từ miệng
  • Nôn ra máu
Chính xác

Ho ra máu thực sự là tình trạng khạc ra máu khi cố gắng sức ho, máu thường có bọt, màu đỏ tươi. Trước khi ho thường có triệu chứng: nóng rát sau xương ức, đau ngực, ngứa cổ. Diễn tiến giúp gợi ý là: ho ra máu với số lượng giảm dần đến hết.

 Khạc ra máu từ đường mũi họng: máu khạc dễ dàng không kèm gắng sức ho, kèm các bệnh lý chảy máu vùng mũi họng dễ dàng phát hiện như: chảy máu cam, bệnh răng lợi, polype mũi,…

Nôn ra máu: thường máu có lẫn thức ăn, không có bọt. Trước khi ói thường đau bụng, hoặc có bệnh lý về tiêu hóa trước đây như xơ gan, loét dạ dày tá tràng, dùng thuốc giảm đau kéo dài.

2. Ho ra máu có phải là chắc chắn mắc ung thư không?

  • Đúng. Chắc chắn
  • Có nhiều nguyên nhân khác, không chỉ ung thư
Chính xác

Ho ra máu có thể là biểu hiện của bệnh lý ung thư phế quản phổi. Khoảng 20-38% mắc loại ung thư này có ho ra máu.

Khối u phát triển, tăng sinh mạch máu, hoại tử khối u làm tổn thương mạch máu và gây ho máu; thường ho ra máu ít, máu có thể đỏ tươi hoặc sẫm màu hoặc màu mận chín. Chiếu xạ điều trị khối u phổi có thể làm hoại tử khối u và gây ho ra máu.

Đây là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, nhiều người bệnh có thể bị ho khan kéo dài, tức nặng ngực, khó thở khi gắng sức. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với biểu hiện bệnh đường hô hấp trên như viêm phế quản, lao phổi, do đó thường gây chủ quan, rất khó phát hiện bệnh.

Tính chất của các triệu chứng trong bệnh ung thư phổi có sự khác biệt, đó là kéo dài, tăng dần, liên tục, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.

Giai đoạn muộn sẽ có biểu hiện ho ra máu thường lượng ít.

Tuy nhiên, ho ra máu cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh khác. 

3. Ngoài ung thư phổi, ho ra máu có thể là biểu hiện của bệnh nào?

  • Bệnh hô hấp
  • Chấn thương vùng ngực, bụng
  • Tim mạch
  • Bệnh về máu
Chính xác

Ngoài ung thư phế quản phổi, ho ra máu thường là biểu hiện của những bệnh lý đường hô hấp như: lao phổi, giãn phế quản, nhiễm trùng hô hấp, đôi khi nó là biểu hiện của bệnh lý tim mạch...

Điều quan trọng đầu tiên là xác định có đúng là bị ho ra máu, chẩn đoán phân biệt với chảy máu ở đường hô hấp trên (chảy máu cam) hoặc ở miệng hoặc chảy máu ở đường tiêu hóa (thực quản -  dạ dày).  

4. Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến ho ra máu?

  • Chảy máu cam
  • Chảy máu đường tiêu hóa
  • Lao phổi
Chính xác

Không phải ung thư, lao phổi tiến triển hoặc tái phát hoặc di chứng của lao phổi hiện nay vẫn là nguyên nhân hay gặp nhất của tình trạng ho ra máu, tỷ lệ gặp từ 30% đến trên 50% theo các tác giả nước ngoài và từ 15-35% theo một số tác giả Việt Nam. Ho ra máu do lao thường có lẫn bọt và đuôi khái quyết.

Triệu chứng gợi ý: Ho khạc đàm trên 2 tuần, có thể kèm ho ra máu tươi hoặc đàm vướng máu, có thể từ ít đến nhiều, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, tình trạng nặng thì sẽ gây khó thở.

Giãn phế quản gặp từ 15-30% trong các nguyên nhân của ho ra máu, ho ra máu hay tái diễn nhiều lần. Ho ra máu của giãn phế quản thường gặp ở Việt Nam dễ chẩn đoán nhầm với lao phổi, đặc biệt là ho ra máu do di chứng giãn phế quản sau lao rất cần phải phân biệt với lao tái phát.

Biểu hiện bằng: ho ra máu lượng ít (3-5ml, khoảng một muỗng cà phê) tự cầm trong vòng 3-5 ngày, tái đi tái lại nhiều lần, hoặc ho ra máu lượng nhiều (>100 ml) có thể dẫn tới tử vong.

5. Ho ra máu có liên quan bệnh lý tim mạch?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Ho ra máu trong nguyên nhân tim mạch thường do các bệnh hẹp van hai lá, suy thất trái, phù phổi cấp, nhồi máu phổi, cao áp động mạch phổi nguyên phát.

Ngoài ra, ho ra máu có thể gặp ở bệnh nhân có bệnh về máu (bệnh bạch cầu cấp và mạn tính, bệnh ưa chảy máu, xuất huyết do giảm tiểu cầu), bệnh sốt xuất huyết ho ra máu khi có xuất huyết ở phổi.

Ho ra máu do chấn thương lồng ngực làm gãy xương sườn hoặc giập nát phổi, sức ép do sóng nổ. 5% bệnh nhân ho ra máu không rõ nguyên nhân.

6. Sán lá phổi có gây ho ra máu không?

  • Không
Chính xác

Ngoài sốt, tức ngực, khó thở, bệnh nhân mắc sán lá phổi cũng có thể ho kéo dài nhiều tháng, nhiều năm; tiến triển từng đợt cấp tính.

Ngoài ra, ho và khạc đờm lẫn máu (thường ra ít một lẫn với đờm, màu đỏ tươi, hoặc đỏ thẫm, hoặc màu rỉ sắt, cũng có khi họ ra nhiều máu tươi một lúc tuỳ thuộc vào tổn thương mạch máu nơi ký sinh trong phế quản.  

Bệnh sán lá phổi là do sán lá thuộc giống Paragonimus ký sinh trong phổi hoặc màng phổi gây nên. Người nhiễm bệnh do ăn phải tôm, cua chưa được nấu chín có nhiễm ấu trùng sán lá phổi.

7. Khi nào cần đi khám bác sĩ nếu bị ho ra máu?

  • Sau khi ngã hoặc bị thương ở ngực.
  • Đau ngực, sốt, nhức đầu nhẹ, chóng mặt hoặc khó thở.
  • Máu trong chất nhầy kéo dài hơn một tuần.
  • Ho nhiều hơn một vài muỗng cà phê máu mỗi lần.
Chính xác

Ho ra máu có thể nguy hiểm tới tính mạng nên cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cận lâm sàng giúp chẩn đoán tùy vào nguyên nhân, thường là xét nghiệm máu, Xquang ngực, soi cấy đàm, chụp CT scan ngực, nội soi phế quản, siêu âm tim... Đối với nghi ngờ tổn thương ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm sinh thiết u.