1. Người bị nhiễm sán dây chó sẽ chỉ có nang sán ở gan?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Nang sán dây chó có thể được phát hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể người. Phổ biến nhất là ở gan, phổi, sau đó là tim, xương, tổ chức thần kinh do nang sán di chuyển theo đường máu.

Nếu nang sán ở gan, người bệnh có thể có biểu hiện như ăn khó tiêu, viêm túi mật, vàng da, sốt nhẹ. Nếu nang sán ở phổi, người bệnh có thể ho dai dẳng, sốt nhẹ, đôi khi ho khạc ra máu, mẩn ngứa. 

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phẫu thuật cho một bà cụ 75 tuổi vì có nang sán rất to ở cơ tim. 

2. Người bị nhiễm sán dây chó chủ yếu bị ngứa, không có nguy cơ tử vong?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Huệ Vân, Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh, Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh sán dây chó do các loài sán thuộc giống Echinococcus gây ra. Giống này có 10 loại, trong đó 2 loại gây bệnh ở người. 

Bệnh tiến triển đưa đến trạng thái suy kiệt và người nhiễm sán tử vong sau vài năm. Trường hợp các nang sán vỡ, đầu sán phát tán trong cơ thể người gây ra sốc phản vệ, bệnh nhân cũng có thể tử vong. 

3. Người nuôi chó có nguy cơ nhiễm sán dây chó gấp bao nhiêu lần bình thường?

  • 11
  • 21
  • 31
Chính xác

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Huệ Vân cho biết hiện nay, nhiều người thích nuôi thú cưng đặc biệt là nuôi chó. Nguy cơ nhiễm sán ở người nuôi chó cao gấp 21 lần so với người bình thường.

4. Người ăn rau sống cũng có nguy cơ bị nhiễm sán chó?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Về phương thức lây truyền, một người nhiễm bệnh vì nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn uống các thực phẩm bị nhiễm trứng sán hoặc tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh.     

Sán dây chó trưởng thành dài 2-7mm, sống tại ruột non của vật chủ chính. Đốt già chứa trứng tách khỏi sán theo phân ra ngoài hoặc vỡ trong lòng ruột. Trứng theo phân ra ngoài làm ô nhiễm các đồng cỏ.

Trứng sán rất bền dai, có thể sống 1 năm ở những đồng cỏ ẩm ướt, 2 tháng ở cỏ khô và 2 tuần ở trong nước. 

Cừu, bò, ngựa ăn cỏ có trứng sán, hay người ăn rau sống có trứng... sẽ bị nhiễm bệnh. 

5. Người nuôi chó cần làm gì để phòng bệnh sán dây chó?

  • Không cho chó liếm mặt, tay.
  • Rửa tay với xà phòng sau khi nựng hay ôm chó
  • Không để chó đi tiêu bừa bãi
  • Tẩy sán cho chó mỗi quý một lần
  • Tất cả các ý trên đều đúng
Chính xác

Đối với người nuôi chó, việc lây truyền thường thông qua hành động ôm, nựng chó hoặc chó liếm mặt. Lý do là trứng sán dính vào hậu môn của chó và gây ngứa. Con vật liếm hậu môn rồi liếm lông, liếm người làm lây lan bệnh.

Do đó, người dân cần cắt đường lây truyền bằng cách không cho chó ăn các phủ tạng chưa được nấu chín. Giám sát các lò mổ súc vật, đốt hoặc chôn sâu các phủ tạng của vật chủ trung gian bị chết. 

Người nuôi chó cần chú ý không cho chó liếm mặt, tay. Rửa tay với xà phòng sau khi nựng hay ôm chó, không để chó đi tiêu bừa bãi, cho chó tẩy sán mỗi quý một lần. Lưu ý, luôn rửa tay sạch sẽ và rửa kỹ rau sống trước khi ăn.