Hàn Quốc sẽ cho phép nam giới nghỉ 18 tháng khi vợ sinh con. Ảnh: AP. |
Theo kế hoạch được Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jeong-sik công bố, mỗi cặp vợ chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản kéo dài một năm rưỡi trong thời gian nghỉ sinh con, tăng 6 tháng so với quy định hiện hành.
Cả cha và mẹ đều đủ điều kiện hưởng chế độ, miễn còn đang làm việc. Cơ cấu của khoản trợ cấp mới này vẫn chưa được xác nhận, theo VICE News.
Đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu, và nếu được thông qua, sự thay đổi này sẽ khiến thời gian nghỉ phép dành cho cha mẹ vốn đã hào phóng của Hàn Quốc trở thành dài nhất ở châu Á. Đây cũng sẽ là thời gian nghỉ sinh con dài nhất trên thế giới.
Nỗ lực đảo ngược xu hướng
Chính sách mới nhằm mục đích khuyến khích các bậc cha mẹ ở xứ kim chi sinh thêm con và tăng tỷ lệ sinh đang ở mức thấp nhất thế giới của đất nước, các quan chức của Bộ Lao động cho biết.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm năm thứ 6 liên tiếp vào năm 2021 xuống còn 0,81, số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh sản.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì quy mô dân số ổn định mà không cần di cư. Tỷ lệ này còn thấp hơn mức 1,37 ở Nhật Bản và 1,66 của Mỹ, cả hai quốc gia đều có dân số già.
Ở Hàn Quốc, xu hướng nhân khẩu học đang dần thu hẹp lực lượng lao động, đe dọa sự phát triển kinh tế.
Hàn Quốc công bố chế độ thai sản mới trong nỗ lực đảo ngược tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Ảnh: AP. |
Đất nước gần 52 triệu dân này hiện là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong số 38 quốc gia giàu có của OECD. Mặc dù đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để trợ cấp chăm sóc trẻ em và hỗ trợ phụ huynh nghỉ phép, chính phủ Hàn Quốc vẫn không thể đảo ngược xu hướng.
Chính phủ cho biết một phần của vấn đề là thời gian làm việc kéo dài, chi phí sinh hoạt tăng cao và sự thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hỗ trợ cha mẹ là một giải pháp được đưa ra cho những người vừa sinh con, nhằm giảm bớt một số căng thẳng liên quan đến nuôi dạy con cái.
Theo nhiều nghiên cứu, việc nghỉ sinh con có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho các cặp vợ chồng và mối quan hệ giữa cha mẹ với trẻ sơ sinh. Cho phép cả cha và mẹ nghỉ phép cũng là chính sách cải thiện bình đẳng giới, vì việc chăm sóc con cái và công việc gia đình được phân bổ đồng đều hơn cho cả cha và mẹ.
Kể từ khi chính sách nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ được giới thiệu lần đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 2001, số lượng nhân viên hưởng chế độ này đã tăng lên đáng kể.
Đặc biệt, nam giới đã bắt đầu tận dụng sự thay đổi văn hóa này tại nơi làm việc của Hàn Quốc, quốc gia vốn nổi tiếng với thời gian làm việc dài và việc dành thời gian nghỉ ngơi từ trước đến nay đã bị phản đối.
Năm 2007, 310 ông bố nghỉ phép có lương nhưng đến năm 2019, con số đó đã tăng lên 22.297. Năm 2021, hơn 29.000 nam giới đã nghỉ làm khi vợ sinh em bé.
Lý do đàn ông Hàn Quốc không muốn nghỉ thai sản
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát năm 2021, hơn 68% các ông bố nghỉ chăm con đang làm việc tại các công ty lớn có từ 300 nhân viên trở lên, vì những nơi này có hệ thống tương đối cải tiến và người lao động thay thế, trong khi chỉ có 3,5% các ông bố làm việc ở các công ty nhỏ hưởng chế độ thai sản.
Lý do chính khiến nam giới do dự khi nghỉ thai sản là mất thu nhập trong bối cảnh khoảng cách tiền lương theo giới ở Hàn Quốc là rất lớn. Thu nhập trung bình của lao động nữ chỉ bằng 64,1% so với lao động nam vào năm 2021, theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.
Dù ngày càng nhiều ông bố nghỉ thai sản, một số nam giới vẫn lo ngại vì sợ bị giảm thu nhập gia đình. Ảnh: Reuters. |
Kim Jin-wook, giáo sư tại Trường Chính sách công thuộc Đại học Sogang, cũng chỉ ra rằng một trong những lý do khiến nam giới không nghỉ phép chăm con là do thu nhập giảm.
"Những người có trình độ học vấn và lương cao dễ xin nghỉ chăm con hơn những người có mức lương thấp. Ở những hộ gia đình có thu nhập thấp, những người vợ thường phản đối việc chồng xin nghỉ chăm con vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sinh kế", Kim nói.
Kwon Mi-kyung, nhà nghiên cứu tại Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc, chỉ ra những khó khăn mà nhân viên nam phải đối mặt khi nghỉ phép chăm con.
"Văn hóa nuôi dạy con cái tích cực chỉ có thể đạt được khi thị trường lao động bình đẳng giới, văn hóa nơi làm việc được tạo ra dựa trên cơ sở mở rộng sự tham gia của nam giới trong việc nuôi dạy con cái.
Cần có nhận thức rộng rãi rằng việc tạo ra văn hóa nuôi dạy con cái tích cực tại nơi làm việc cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho các công ty, bằng cách tăng cường năng lực của người lao động và thu hút nhân sự chất lượng", bà Kwon nhận định.
Theo Zing