Không được đón, trả khách ngoài các địa điểm trong hợp đồng

Nghị định số 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định chi tiết về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. 

Theo đó, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm đã ghi trong hợp đồng. Đơn vị kinh doanh vận tải phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và dán phù hiệu "Xe hợp đồng" trên phương tiện. Hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển, áp dụng cho cả các trường hợp thuê người lái xe.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) hoặc xe ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn 8 chỗ từ xe ô tô lớn hơn 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.

Nghị định này nhằm mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật. 

Giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm

Theo Nghị quyết 174/2024/QH15, Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống 8% từ 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

thue gia tri gia tang.jpg
Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Tuy nhiên, một số nhóm ngành như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản sẽ không được áp dụng chính sách giảm thuế này.

Cũng liên quan đến thuế giá trị gia tăng, Quốc hội quyết định chấm dứt miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh từ ngày 14/1/2025. Chính sách này nhằm tăng cường kiểm soát và quản lý nguồn thu từ thương mại quốc tế.

Sửa đổi Luật Quản lý thuế 2019

Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2024 đối với Luật Quản lý thuế 2019, có hiệu lực từ 1/1/2025, đưa ra nhiều điểm mới nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý thuế; trong đó nêu rõ trách trách nhiệm của người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực và đầy đủ hồ sơ thuế, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý với thông tin đã cung cấp.

Luật này cũng nhấn mạnh đến việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Theo đó, nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký, khai báo và nộp thuế tại Việt Nam.

Các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thuế thay người bán. Các quy định này giúp tăng cường quản lý thuế trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công

Theo khoản 2 Điều 95 Nghị định 151/2017/NĐ-CP sửa đổi, từ ngày 1/1/2025, tất cả giao dịch bán tài sản công phải sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này giúp minh bạch hóa các giao dịch và giảm thiểu rủi ro gian lận.

Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý 303 'ông lớn'

Quyết định số 2838/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/11/2024 xác định danh sách 303 doanh nghiệp lớn phân công Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý từ ngày 1/1/2025, thay thế Quyết định số 1789 ban hành năm 2021. 

Tổng cục Thuế định kỳ hai năm thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn để báo cáo Bộ Tài chính bổ sung, thay thế doanh nghiệp lớn thuộc danh sách phân công Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý thuế.