Xây dựng một quỹ với cơ chế “đặc thù” như vậy, là hành động rất cụ thể vì trẻ thơ, thật sự rất nên làm trong tình hình kinh tế hiện nay.
Để đạt được mục tiêu phòng bệnh đặc hiệu, đối với một số bệnh dịch nguy hiểm, việc sử dụng văc xin trong trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), cho đối tượng trẻ em thường được thực hiện sớm, ngay từ những năm đầu đời, và được áp dụng ở khắp hầu khắp các quốc gia trên thế giới.
Chính sách y tế
Tuy nhiên chương trình TCMR ở các nước, cũng có những khác biệt nhất định như: Số loại văc xin được sử dụng, lịch tiêm cho từng loại bệnh cần phải phòng bệnh đặc hiệu, tùy theo số lượng bệnh dịch tương ứng, cũng như tính chất dịch tễ của quốc gia đó.
Chất lượng, giá cả của các loại văc xin cũng là một vấn đề. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, việc chế tạo, sản xuất văc xin đã có những bước tiến tạo ra những sản phẩn an toàn cao cho người được sử dụng. Tuy nhiên các văc xin được tạo ra bằng những công nghệ của các giai đoạn khác nhau vẫn cùng tồn tại trên thị trường. Bởi chúng vẫn đạt được mục tiêu tạo ra kháng thể đặc hiệu với các loại mầm bệnh (vi khuẩn, virus).
Khác biệt giữa các loại văc xin, cùng loại (phòng cùng một bệnh) cần phải nói đến; là tính an toàn cho người được tiêm phòng. Ngày nay có những loại văc xin được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, văc xin an toàn hầu như tuyệt đối không gây tai biến cho người được sử dụng. Những văc xin như vậy, luôn có giá bán cao hơn nhiều lần, giá bán của các sản phẩm cùng loại.
Không chỉ riêng ở nước ta, chương trình TCMR dành cho trẻ em, ở tất cả các nước hầu như được miễn phí. Đối với những nước có nền kinh tế phát triển (giầu có) kinh phí cho chương trình TCMR thường được lấy từ ngân sách quốc gia.
Còn các nước kinh tế chậm phát triển (nghèo), kinh phí cho văc xin phòng bệnh, thật sự trở thành ‘gánh nặng’ đối với ngân sách. Thông qua sự giúp đỡ của tổ chức y tế thế giới (WHO), bằng sự giúp đỡ từ nhiều nguồn, sự lựa chọn có thể phải chấp nhận loại văc xin có giá rẻ, đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều rủi ro- tai biến cho người, đối tượng sử dụng.
Ví dụ như, văc xin Quinvaxem đã được sử dụng, trong chương trình TCMR ở nước ta. Loại văc xin này được người Hàn Quốc sản xuất, nhưng chính phủ nước này không cho sử dụng, vì sự an toàn cho trẻ em nước họ. Còn các chuyên gia của WHO “khuyên” chúng ta nên dùng nó cho trẻ em Việt Nam vì nó… rẻ tiền.
Đáng chú ý, trong nội dung trả lời câu hỏi của báo chí về sự cố 03 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khi tiêm văc xin viêm gan , ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề XH Quốc hội cho rằng, đây là cơ hội để xem xét lại toàn bộ hệ thống y tế, là dịp để đánh giá tổng thể.
Mặc dù, QH đã có hẳn Nghị quyết, quy định rõ ràng ngân sách cho y tế phải dành 30% cho y tế dự phòng, nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ đạt mức này.
Nguyên nhân là phân bổ của Bộ Y tế không đủ. Tiếp đến, khi ngân sách xuống đến tỉnh sẽ do HĐND phân bổ. Nhưng tỉnh nào cũng chỉ thích xây bệnh viện, mua sắm trang thiết bị, nên đầu tư cho y tế dự phòng rất ít.
Tiếp đến là chất lượng vắcxin. Ngân sách ít thì vắcxin tiêm cho trẻ em VN không bằng vắcxin cho trẻ em Nhật, Mỹ... Nên bây giờ, nhiều gia đình có điều kiện thường chọn tiêm dịch vụ bằng vắcxin ngoại nhập, giá cao.”
Cũng theo ông Tiến, với trẻ em, chắc chắn Nhà nước phải nâng đầu tư tiền lên. Tiền QH phân bổ theo từng dòng, nhưng nên dành tiền mua văc xin chất lượng tốt. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần lấy số tiền đầu tư cho 01 cây cầu lớn là đủ sức nâng cấp toàn bộ y tế xã và huyện (nơi chủ yếu dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trong đó có tiêm chủng)...
Bất lực với con sâu ngành Y
Tạm không nói về bối cảnh trong xã hội hiện nay, với biết bao vụ tham nhũng lớn; từ cac vinakhủng, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. việc sử dụng đồng tiền lãng phí của chính các ngành, các lĩnh vực, của ‘lợi ích nhóm’ cũng đang làm mất đi nguồn lực của đất nước.
Từ rất nhiều năm trước đây, phòng, chống tham nhũng trong ngành y tế từng là chủ đề ‘nóng’. Rất nhiều hội thảo, đối thoại, về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này, có các chuyên gia quốc tế tham dự. Thành công của các hội thảo đối thoại đã chỉ ra (nhận diện) được chân dung, hình hài của tham nhũng trong lĩnh vực ngành y: Thể hiện ở nhiều cấp độ, có tính chất nghiêm trọng, được tìm thấy trong cả 03 lĩnh vực: quản lý Nhà nước, dịch vụ tại cơ sở y tế và quản lý BHYT (bảo hiểm y tế).
Tuy nhiên, do chưa được xử lý kịp thời nên vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết.
Khi thảo luận dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11-7, riêng về đấu thầu giá thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói: “Tôi xin lưu ý rằng lâu nay chúng ta cũng thực hiện theo các quy định, nhưng giá thuốc đấu thầu vẫn cao hơn giá thuốc trên thị trường. Như vậy là có vấn đề về quản lý Nhà nước về giá thuốc. Năm 2012, chúng ta điều chỉnh quy định về đấu thầu thuốc thì đã tiết kiệm được vài nghìn tỉ đồng”.
Bà còn cho biết thêm hiện nay ở VN chi phí thuốc chiếm 60% trong chi phí điều trị, có bệnh viện chiếm tới 70-80%, ở các nước phát triển chỉ 30%.
Như vậy riêng năm 2012, do có điều chỉnh quy định về đấu thầu thuốc, thì đã tiết kiệm được vài nghìn tỉ đồng”.
Vậy rất nhiều năm - trước năm 2012, khi chưa điều chỉnh quy định, thì rất nhiều ‘vài nghìn tỉ’ trên một năm, không tiết kiệm được- đi đâu? Ai được hưởng lợi, còn là ẩn số thách thức các cơ quan điều tra, bảo vệ pháp luật. Nhưng nếu cần chỉ ra ai là người có quyền duyệt giá thuốc trúng thầu, thì lại rất dễ, vì còn ai khác ngoài giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện lớn.
Còn mới đây, sau khi có quy định mới, đã có hiện tượng các công ty dược phẩm cho ra đời các loại thuốc có hàm lượng “lạ”, làm cơ sở để các đối tác ‘làm giá’, ‘gửi giá’. Đã có nhiều thuốc chữa bệnh giá “khủng” trúng thầu vào các bệnh viện, cho thấy, ‘thông thầu, đội giá’- một dạng tham nhũng trong y tế đã có ‘phiên bản’ mới, phù hợp với quy định mới.
Trong bài, khuất tất về tài chính ở Bệnh viện đa khoa thành phố Bắc Giang (Pháp Lý- kỳ phát hành cuối tháng 7/2013) - dùng hơn 1,5 tỉ đồng tiền của Nhà nước chi bù đắp cho sai phạm của một số cá nhân?
Khi được hỏi, tại sao sở lại đồng tình với việc, dùng tiền của Nhà nước, để chi cho sai lầm của cán bộ? Ông Nguyễn Văn Chiến – Chánh Thanh tra Sở Y tế Bắc Giang đã trả lời thẳng thắn: “Bây giờ nó là như thế! Hỏi tôi, tôi biết hỏi ai?”. (Điều này phần nào) Cho thấy sự bất lực trong phòng, chống tham nhũng cuả ngành y tế nước ta trong những năm qua.
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần chống được tham nhũng ngay trong ngành y tế, cũng đã thừa đủ tiền mua văc xin tốt, đủ dùng cho trẻ em trong chương trình TCMR ở nước ta. Nhưng điều đó chỉ là ước muốn… không bao giờ thành hiện thực.
Quỹ ‘văc xin trẻ em Việt Nam’
Đứng trước hiện tượng tử vong liên tiếp xẩy ra ở trẻ em sau khi tiêm phòng các văc xin “đời đầu”, nguyên nhân chính cần được nói đến là nguồn kinh phí cho chương trình TCMR khiến cho những người quan tâm cảm thấy xót xa.
Phải khẳng định, người Việt Nam có thể chấp nhận một thực tế, kinh tế kém phát triển, nghèo về kinh tế- vật chất, nhưng không thể chấp nhận nghèo về… đạo lý. Tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho con cháu cũng là truyền thống, là đạo lý dân tộc. Mặc dù, đắng thay, đối với vấn đề văc xin hiện tại, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế, ‘có thể’ ngân sách Nhà nước không đủ cho việc mua văc xin tốt, và còn một thực tế khác- đắng hơn- tham nhũng đang làm tiêu hao nguồn lực của đất nước.
Một đề xuất mới đây về "Quỹ văc xin trẻ em" - của nhà báo Kỳ Duyên (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132818/an-tuong-trong-tuan--sinh--tu-va-chua----dang-ngon-.html) rất đáng được ngành y tế quan tâm. Với “Quỹ văc xin trẻ em”, có thể huy động sự đóng góp của cả xã hội, của cha mẹ các cháu bé. Đồng thời quỹ cần có cơ chế giám sát, kiểm soát là nhân dân, do người dân trực tiếp quản lý, nhằm ngăn ngừa việc sử dụng tiền quỹ lãng phí, không đúng mục đích. Đây cũng là cơ chế ngăn chặn hiện tượng tham nhũng, tạo thêm niềm tin của người dân khi đóng góp, để mua những loại văc xin có chất lượng tốt nhất cho trẻ em.
Việc xây dựng các quỹ giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước cũng đã được thực hiện thành công trong các mục tiêu an sinh, xã hội những năm qua. Xây dựng một quỹ với cơ chế “đặc thù” như vậy, là hành động rất cụ thể vì trẻ thơ, thật sự rất nên làm trong tình hình kinh tế hiện nay.
Bs Nguyễn Văn Soạn