Chiều 20/7, thay mặt Bộ Y tế, bà Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác đã đến thăm gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm để bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn nữ bác sĩ, người đã dành cả tuổi xuân cho đất nước.
Đến thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ và thăm hỏi, nói chuyện với gia đình nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ niềm tự hào và biết ơn với sự hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có sự hy sinh của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Quyền Bộ trưởng Y tế đồng thời ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe mẹ Doãn Ngọc Trâm.
Hiện mẹ Doãn Ngọc Trâm đang ở với hai người con gái ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Mẹ Trâm có 4 người con gái theo thứ tự là Thùy Trâm, Phương Trâm, Hiền Trâm và Kim Trâm.
Em gái kế liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho biết, nếu như bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn sống thì năm nay đã 80 tuổi. Dù cả ba mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đều công tác trong ngành y nhưng các con thì mỗi người một nghề. Bà Doãn Ngọc Trâm cười hiền nói lý do: "Các cụ ngày xưa bảo mỗi đứa làm một ngành để phục vụ đất nước".
Mẹ Doãn Ngọc Trâm năm nay đã bước sang tuổi 98 nhưng vẫn minh mẫn. Mẹ xúc động và gửi lời cảm ơn đến quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác đã thu xếp dành thời gian đến thăm mẹ và gia đình.
Bà Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác đã đến thăm gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm để bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn đối với nữ bác sĩ, người đã dành cả tuổi xuân cho đất nước.
"Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích khi con gái tôi dù mất đi nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng nghiệp đã luôn quan tâm, chăm sóc, không để tôi phải lo lắng khi trái gió trở trời", mẹ Doãn Ngọc Trâm chia sẻ.
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức bố là bác sĩ, mẹ là dược sĩ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966, nghe theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam chiến đấu. Chị được phân công phụ trách Trạm xá Đức Phổ (Quảng Ngãi) - một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
Những năm tháng thanh xuân hào hùng ấy đã được chị ghi lại tường tận, chi tiết trong cuốn nhật ký của mình mà sau này đã được xuất bản thành cuốn sách nổi tiếng "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới.
Chị quan niệm: "…Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này".
Theo Dân trí