Hỗ trợ sinh kế 

Thông tin tại cuộc họp kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho thấy, trong năm 2023 và 2024, huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện hỗ trợ 417 con bê cái Lai sind cho 417 hộ dân thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không có sinh kế ổn định.

Hồi tháng 3, UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình bàn giao bê cái Laisind cho 314 hộ nông dân là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 21 xã. Mỗi hộ được nhận 1 con bê cái sinh sản, giống Lai sind 8 tháng tuổi, có trọng lượng trung bình 130-150kg/con, giá trị gần 14 triệu đồng/con.

Đàn bê đủ tiêu chuẩn về ngoại hình và chất lượng giống theo quy định đã được cơ quan chức năng thẩm định và tiêm vắc xin.

Trước khi bàn giao bê giống sinh sản cho các hộ dân, UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bê cái Lai sind cho 314 hộ dân thực hiện dự án. Các hộ đã hướng dẫn các kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi bê cái Lai sind, cách chọn giống bò cái sinh sản đạt hiệu quả cao; phương pháp chọn nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò.

Cán bộ cũng hướng dẫn các hộ dân cách phối giống cho bò; cách chăm sóc bò cái mang thai và đỡ đẻ cho bò; chăm sóc bò mẹ sau sinh và bê con trên 1 tháng tuổi; cách phòng chống một số loại bệnh thông thường...

Dự án hỗ trợ chăn nuôi bê sinh sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhằm hỗ trợ sinh kế vươn lên thoát nghèo. Các hộ gia đình sau khi nhận con giống có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật để bò sinh sản tốt, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo đánh giá của UBND huyện, nhờ được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho con vật, hiện nay cơ bản các hộ tham gia dự án đều chăm sóc, phát triển tốt bê cái Lai sind được trao tặng.

W-du an   bac giang   nong thon 7.jpg
Các chính sách an sinh xã hội và trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và nhà vệ sinh... được huyện lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Đối với năm 2024, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu đã thẩm định được 256 hộ gia đình thuộc các đối tượng đủ điều kiện thực hiện dự án hỗ trợ người dân nuôi bê cái Laisind thuộc 18 xã trên địa bàn huyện. Dự kiến trong năm nay, huyện sẽ giải ngân hơn 3,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 65,7%.

Chăm lo việc làm 

9 tháng đầu năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã và đang triển khai thực hiện tốt các dự án gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Ngày 9/10, tại xã Quỳnh Châu, UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 300 lao động của 2 xã Quỳnh Châu và Ngọc Sơn tham gia. Đây là phiên giao dịch việc làm thứ 4 trong tổng số 15 phiên sẽ được tổ chức trong năm 2024 ở Quỳnh Lưu.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương của huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động theo đúng định hướng đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho lao động; Hỗ trợ việc làm đối với nhóm lao động yếu thế, nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ và thanh niên nông thôn.

Với nhiều cách làm quyết liệt, thiết thực, hàng năm huyện Quỳnh Lưu đã giải quyết việc làm mới cho 4.500 – 5.000 lao động; trung bình có 1.600 người đi làm việc tại nước ngoài, với nguồn thu nhập ổn định.

Các phiên giao dịch việc làm là cơ hội để các doanh nghiệp, người lao động trao đổi, tìm hiểu thông tin, mở thêm cánh cửa việc làm và tuyển dụng. Đặc biệt, hoạt động này hỗ trợ việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo thuộc đối tượng hưởng lợi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đây còn là dịp thuận lợi giúp người dân tiếp cận với các thông tin chính thống từ các đơn vị được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép; từ đó tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Về các chính sách an sinh xã hội và trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề… được huyện lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2023 là 2,12%, giảm mạnh so với năm 2021.