Lượng án dân sự trong năm 2012 tăng gần 2.000 vụ so với năm 2011, chủ yếu vẫn là tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà đất… Ngoài việc đối mặt với giấy tờ giả ở các số báo trước, người dân còn gặp nhiều rủi ro khác trong giao dịch nhà, đất.
Chỉ vì thiếu kinh nghiệm hoặc chủ quan, nhiều người mua nhà, đất đã chuốc sự phiền phức và thiệt hại về cho mình.
Mua nhầm nhà ủy quyền giả tạo
Trên thực tế, có nhiều trường hợp vay mượn tiền rồi làm tin bằng cách ký hợp đồng ủy quyền cho chủ nợ bán nhà. Sau khi mua nhà từ người được ủy quyền, người mua mắc nạn do bị người ủy quyền tranh chấp.
Cần nhà ở nên ông Hùng quyết định mua một căn nhà tại phường 21, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Căn nhà này do bà Tiếp làm chủ sở hữu và bà này đã ủy quyền cho bà Nhung được mua bán trong thời hạn 20 năm. Ký công chứng xong thì ông Hùng trả 1,5 tỉ đồng cho bà Nhung để thực hiện tiếp việc sang tên. Không ngờ vài ngày sau, Phòng TN&MT quận thông báo với ông căn nhà đang bị yêu cầu ngăn chặn không cho đăng bộ vì có tranh chấp. Cụ thể là bên ủy quyền tranh chấp với bên được ủy quyền trong việc bán nhà. Theo bà Tiếp, sự thật là bà vay tiền của bà Nhung nhưng phải làm hợp đồng ủy quyền cho bà Nhung được quyền bán nhà. Do việc ủy quyền chỉ mang tính hình thức nên bà không đồng ý bán nhà.
“Tôi không cần biết tranh chấp của hai bên ra sao vì tôi là người mua hợp pháp, tiền bạc cũng đã thanh toán đủ” -a ông Hùng bày tỏ. Không còn cách nào khác hơn, ông đã kiện người ngăn chặn, tức là chủ sở hữu căn nhà. Tuy nhiên, TAND quận Bình Thạnh đã ra quyết định đình chỉ vụ án vì ông không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nhung, tức người được ủy quyền và là người đã đứng ra ký giấy bán nhà cho ông.
Dính vào nhà chưa làm xong thủ tục
Theo luật định, nhà, đất có giấy chủ quyền mới được giao dịch. Thế nhưng dù biết rõ người bán chưa đứng tên trên giấy chứng nhận, nhiều người vẫn nôn nóng muốn mua ngay và bị mắc bẫy.
Người mua nhà, đất sẽ yên tâm hơn khi qua sàn giao dịch bất động sản. |
Năm 2010, bà Sương mua căn nhà của bà Hoa tại quận 8. Căn nhà này do bà Hoa mua lại của người khác tên D. Sau khi giao tiền nhưng không thấy làm thủ tục mua bán, bà Sương đã kiện bà Hoa ra tòa yêu cầu thực hiện hợp đồng. Tòa đã buộc bà Hoa phải trả lại tiền cho bà Sương.
Cùng lúc, bà D. cũng khởi kiện bà Hoa ra tòa vì cho rằng bà Hoa chưa trả đủ tiền cho mình mà đã bán nhà cho người khác. Tòa tuyên buộc bà Hoa phải trả nốt tiền mua nhà còn thiếu và bà D. có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc bà Hoa phải thực hiện xong việc mua bán nhà đất.
Tuy nhiên, sau khi có bản án, bà D. không đả động gì đến việc yêu cầu thi hành án. Trong khi đó, bà Sương vẫn chưa được bà Hoa trả lại tiền nên rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bà Sương muốn mua nhà để sử dụng nhưng lại phụ thuộc vào việc yêu cầu thi hành án của bà D. và sự việc cứ nhùng nhằng đến nay.
Đột nhiên bị phát mại
Cũng có trường hợp người mua nhà vào ở nhiều năm liền thì bị ngân hàng mang đi phát mại. Tháng 4-2008, chị Bình bỏ ra hơn 230 triệu đồng mua căn nhà 25 m2 của bà Thủy tại xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn). Căn nhà này trước đó bà Thủy mua của người khác và chưa làm thủ tục tách thửa, sang tên. Ngoài chị Bình, bà Thủy còn bán một mảnh đất cùng thửa với chị Bình cho một người khác. Khi bán, bà Thủy cam kết khi nào chủ cũ làm thủ tục sang tên cho bà, bà sẽ sang tên căn nhà cho chị Bình nhưng sau khi lấy tiền, bà Thủy cứ khất hẹn.
Đang ở yên lành thì vào cuối năm 2011, Chi cục THA huyện Hóc Môn thông báo cho chị Bình là sẽ kê biên, phát mại nhà đất theo yêu cầu của một ngân hàng. Theo hồ sơ ngân hàng cung cấp, toàn bộ nhà, đất trên bà Thủy đã làm thủ tục tặng cho con trai mình hai ngày trước khi bán cho chị Bình. Căn cứ trên giấy tặng cho này, Phòng TN&MT huyện Hóc Môn đã sang tên cho con trai bà Thủy và anh này mang thế chấp cho ngân hàng. Hành vi gian dối của bà Thủy đang được Công an TP.HCM xem xét, xử lý.
Bán nền đất bằng… nước bọt!
Cuối năm 2011, ông Sáng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) mua của bà A. hơn 1.400 m2 đất nông nghiệp với giá 3 tỉ đồng và ông Sáng đặt cọc 100 triệu đồng. Trong hợp đồng, ông thỏa thuận sẽ công chứng hợp đồng, trả đủ tiền sau ba tháng. Sau đó,ông phân lô bán cho nhiều người giá 50 đến 70 triệu đồng/lô. Khi người mua định rào chắn thì bị ngăn cản. Người mua tìm hiểu mới biết giữa ông Sáng với bà A. đã hủy hợp đồng đặt cọc, ông Sáng đã hoàn trả giấy tờ đất trên cho bà A. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục bán đất trên cho nhiều người. Khi bị người mua đòi tiền thì ông nói: “Nếu ai muốn lấy lại tiền thì từ từ tôi trả, còn không thì chờ tôi phân lô nơi khác sẽ bù. Nếu ai thưa kiện thì một đồng tôi cũng không trả”. Rồi ông chỉ cho lô đất khác nhưng giá cao hơn nền cũ… năm lần nên chẳng ai chịu nhận.
Một trường hợp khác: Giữa năm 2008, Trúc (quận 8) nói với ông Liêm (quận 11) là mình có dự án xây dựng khu dân cư rộng 12.000 m2 tại Long An rồi mời ông Liêm mua nền. Sau đó, Trúc đưa người cậu vợ - người đứng tên chủ quyền - ký giấy tay bán đất cho ông Liêm kèm theo thỏa thuận “ngay sau khi ông Liêm giao 2,5 tỉ đồng thì Trúc giao ngay năm nền đất cho ông”. Một tháng sau, ông Liêm quay lại thấy người lạ đang xây nhà trên nền mình vừa mua vì Trúc đã… bán số đất trên cho họ. Ngoài ông Liêm, còn rất nhiều người ở quận 6, 8, Bình Tân có nhà bị giải tỏa nghe lời rủ rê của Trúc đổ xô về đây mua đất để rồi ngậm đắng nuốt cay.
Vụ lừa đảo đất đai chấn động Mỹ Tho Cuối tháng 8-2012, công an bắt giữ Phạm Thị Ngọc Ánh (xã Trung An, TP Mỹ Tho) và Phạm Hữu Tiến (phường 3, TP Mỹ Tho) khi hai người này đang trốn lệnh truy nã tại một khách sạn ở Quảng Trị. Bước đầu công an xác định họ đã lừa đảo hơn 7 tỉ đồng trong việc mua bán đất đai. Tháng 11-2010, Ánh mua gần 1.000 m2 đất tại phường 10, TP Mỹ Tho với giá 450 triệu đồng nhưng kêu chủ đất ký hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng đất và đưa trước cho bà 50 triệu đồng. Ngay sau đó, Ánh bán lô đất cho một người khác lấy 385 triệu đồng rồi bỏ trốn. Với thủ đoạn tương tự, Ánh bán hơn 2.000 m2 đất của hai người dân, thu lợi 600 triệu đồng. Ngoài thủ đoạn trên, Ánh và Tiến còn mua đất giấy tay, đưa trước cho chủ đất một khoản tiền nhỏ rồi chia lô, bán rẻ cho nhiều người và ôm tiền bỏ trốn. |
(Theo Pháp Luật TP.HCM)