Sáng 22/2/2022, Công ty cổ phần Bản quyền âm nhạc trực tuyến vừa ra mắt Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM. Đây là hệ thống bảo vệ tác quyền âm nhạc trên Internet đầu tiên do doanh nghiệp Việt phát triển với sứ mệnh giải quyết “nỗi đau” tác quyền trên môi trường số - nơi có hàng triệu bản nhạc không được bảo vệ và bị xâm phạm bản quyền mỗi ngày.

Hệ sinh thái MCM được xây dựng bằng 2 công nghệ bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Theo đó, công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi sử dụng tác phẩm và mỗi lần cấp khóa hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm.

{keywords}
Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến vừa được ra mắt.

Trong khi đó, công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh một tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp các tác giả có thể truy vết, theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm.

Trên nền tảng hai công nghệ này, MCM cung cấp 3 dịch vụ chính gồm: ủy quyền bảo vệ và phân phối; xây dựng kho nhạc được bảo vệ bản quyền và dịch vụ đánh dấu tác phẩm. Phía MMC cho biết, dịch vụ đánh dấu tác phẩm được cung cấp miễn phí cho tất cả các bản ghi, tác phẩm âm nhạc, sách nói, Podcast nhằm định danh tác phẩm cho từng đơn vị phân phối nhạc. 

Mỗi bài hát khi được đánh dấu sẽ có một chữ ký số riêng để định danh từng tác phẩm, từng phiên bản giúp các nhạc phẩm dễ dàng được truy vết khi phái sinh trên môi trường Internet. Việc các tác phẩm được đánh dấu cũng có thể dùng làm bằng chứng pháp lý chứng minh cho việc vi phạm tác quyền khi cần thiết. Với những dịch vụ này, các nhạc sĩ có thể quản lý được các bản nhạc của mình khi phân phối trên không gian mạng.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng Giám đốc MCM Online chia sẻ: Quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành nền văn hoá sử dụng âm nhạc có bản quyền, mang lại sự khích lệ tinh thần cho những người sáng tác âm nhạc. “MCM chính là viên gạch đầu tiên, tử tế và minh bạch, dùng công nghệ để bảo vệ bản quyền các tác phẩm nghệ thuật trên Internet”.

MCM có định hướng phát triển thành Hệ sinh thái bảo vệ tác quyền âm nhạc trên Internet đầu tiên tại Việt Nam - nơi cung cấp các tác phẩm âm nhạc có tác quyền cho các nhà phân phối. Cam kết tạo lập một môi trường minh bạch, tôn trọng quyền sáng tác và quyền sở hữu tác phẩm âm nhạc.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số đánh giá, việc ra mắt hệ sinh thái là dấu mốc quan trọng trong hoạt động âm nhạc từ góc độ công nghệ bản quyền âm nhạc. Bảo vệ bản quyền cũng như sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề trong nước mà cần thực hiện những cam kết quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra khá phức tạp khi tác quyền chưa được bảo vệ, điều này gây nhức nhối trong công tác quản lý. Việc ra mắt hệ sinh thái là cơ hội nhưng cũng cần nỗ lực sử dụng giải pháp công nghệ để bảo vệ bản quyền.

Cùng ý kiến trên, đại diện Cục Bảo vệ bản quyền tác giả nhận định rằng, trong thời đại công nghệ số phát triển, vấn đề bảo vệ bản quyền rất sôi động, nếu làm được mới có thể khuyến khích các tác giả đầu tư sáng tác.

Ngày 17/2 vừa qua, Hiệp ước của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới về bảo vệ bản quyền tác giả (WCT) đã có hiệu lực tại Việt Nam. Như vậy chúng ta đã chính thức tham gia sân chơi quốc tế. Việc ra mắt hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến là một trong những công cụ hữu ích cùng góp phần bảo vệ bản quyền trên môi trường số.

Duy Vũ

Vi phạm bản quyền trên môi trường số: “Lời kêu cứu” từ các đơn vị làm sách chân chính

Vi phạm bản quyền trên môi trường số: “Lời kêu cứu” từ các đơn vị làm sách chân chính

Vi phạm bản quyền sách trên môi trường số vốn là vấn nạn tồn tại từ lâu. Nhưng đến nay, tình trạng này vẫn khó giải quyết dứt điểm, các hình thức xâm phạm ngày càng biến tướng tinh vi hơn.