Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.
Báo cáo của WB cho thấy, mức độ ô nhiễm bờ sông (dựa trên khảo sát thực địa) tại 24 vị trí bờ sông được khảo sát, tổng số thu gom được 2.707 mảnh chất thải rắn, trung bình 22,5 mảnh/đơn vị. Chất thải nhựa chiếm 79,7% về số lượng và 57,2% về trọng lượng. Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 72% tổng lượng rác thải nhựa.
Tại các tiểu vùng thuộc miền Bắc, miền Trung và miền Nam, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào về tổng số rác thải nhựa. Tuy nhiên, số lượng rác thải nhựa trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực đô thị (21,4 mảnh/đơn vị), cao hơn gần gấp 2 lần so với số lượng trung bình ở các vị trí bờ sông thuộc khu vực nông thôn (12,1 mảnh/đơn vị). Cụ thể, số lượng các mảnh nhựa ven sông tại Cần Thơ (34,5 mảnh/đơn vị), TP Hồ Chí Minh (33,4 mảnh/đơn vị) và Lào Cai (30,1 mảnh/đơn vị) cao hơn so với các địa điểm khác; trong khi số lượng các mảnh nhựa trên các bãi sông ở tỉnh Sóc Trăng là thấp nhất (4,3 mảnh/đơn vị).
Mức độ ô nhiễm bờ biển (dựa trên khảo sát thực địa) cho thấy rác thải nhựa chiếm 95,4% tổng lượng chất thải rắn, trung bình 81 mảnh trên mỗi mét bờ biển. Các phân tích cho thấy, mật độ ô nhiễm chung ở Thừa Thiên - Huế (141,1 mảnh trên mỗi mét bờ biển), TP Hồ Chí Minh (135,6 mảnh trên mỗi mét bờ biển) và Quảng Nam (133,7 mảnh trên mỗi mét bờ biển), cao hơn đáng kể so với ở các địa điểm khác. Mật độ đồ nhựa thấp hơn đáng kể ở Hải Phòng (36,23 mảnh trên mỗi mét bờ biển) và Đà Nẵng (27,9 mảnh trên mỗi mét bờ biển). Các đồ nhựa dùng một lần chiếm 52% tổng lượng chất thải nhựa tìm thấy tại các vị trí khảo sát ven biển. Kết quả đo lường Chỉ số bờ biển sạch (CCI) cho thấy, 10 vị trí (chiếm 71,4% tổng số) là cực kỳ bẩn (chỉ số CCI trên 20), 2 vị trí ở mức bẩn (chỉ số CCI 10-20), và 2 vị trí khác ở mức trung bình (chỉ số CCI 5-10). Chỉ số CCI cao nhất được ghi nhận tại bãi biển Bình Lập (379) và Mỹ Ca (192) ở Khánh Hoà, bãi biển Lai Hòa ở Sóc Trăng (176), Bãi Trường trên Đảo Phú Quốc (163) và bãi biển Bến phà Gót ở Hải Phòng (73).
Mức độ ô nhiễm trên sông và dọc sông (dựa trên khảo sát viễn thám và lưới kéo) được khảo sát bằng máy bay không người lái ở tầm cao cho phép xác định các điểm nóng ô nhiễm tại các vị trí khảo sát. Tiếp đó, hình ảnh với độ phân giải cao chụp ở tầm thấp giúp phân tích các điểm nóng rất hiệu quả. Cách tiếp cận này đã thành công trong việc phân tích trên diện rộng về số lượng rác thải trên sông, cùng với các đánh giá về diện tích và khối lượng chất thải. Tình trạng rác thải là đáng báo động ở tất cả các vị trí được điều tra; ở những vị trí không có nhiều rác tích tụ, nhựa thường bị mắc kẹt trong thảm thực vật trên bờ hoặc trôi nổi trên sông.
Các cuộc khảo sát quan trắc sông với camera gắn trên cầu để chụp ảnh trong những khoảng thời gian xác định cho kết quả về rác nhựa trôi nổi. Ví dụ, khảo sát tại cầu Suối Cát (Cầu Lao Chải) ở Sa Pa đã xác định được số lượng lớn (360) các vật thể trôi nổi vào ngày khảo sát và có sự vận chuyển đáng kể với ước tính có hơn 10 loại rác thải nhựa di chuyển trong vòng nửa giờ trong một khoảng thời gian dài của ngày khảo sát.
Những con số không chỉ mang ý nghĩa thống kê từ năm này qua năm khác, mà nó còn là tiếng chuông cảnh báo khi môi trường sống, mẹ thiên nhiên đang “kêu gào" bởi bị rác thải nhựa bao vây. Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đang là “kẻ thù" không đội trời chung với sức khoẻ môi trường.