Rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương trên thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, sức khỏe và sự an toàn của con người…

Tại các vùng biển và ven bờ dọc các tỉnh miền Trung Việt Nam, rác thải đã và đang từng ngày phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội như du lịch, nghỉ dưỡng và ngay cả sức khỏe của con người.

Hiện nay, khách du lịch đến với huyện đảo, xã đảo ngày càng nhiều, cho thấy sức hút của tiềm năng, lợi thế về du lịch biển đảo. Tuy nhiên thực trạng ô nhiễm đáng báo động của rác thải nhựa hiện nay. Không chỉ tác động tới du lịch, tình trạng ô nhiễm rác thải cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân. 

Đảo Bình Ba (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)- nơi nổi tiếng với nghề nuôi tôm hùm. Theo tính toán, mỗi ngày, người dân trên đảo và du khách đã thải khoảng 3 tấn rác thải sinh hoạt ra môi trường. Nơi này được xem là “quốc đảo tôm hùm” với hơn 90% hộ dân đang nuôi tôm.

W-binhba.png
Rác thải nhựa bủa vây đảo Bình Ba

Hằng năm, các hộ nuôi tôm xuất ra hơn 300 tấn tôm hùm cho thị trường. Tuy nhiên, nhiều minh chứng đã chỉ ra rằng, rác thải sinh hoạt và rác thải đại dương đang là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng tôm hùm cùng một số loại thủy hải sản khác tại đảo này.

“Lồng tôm xa bờ nhưng nước thải sinh hoạt, rác thải nhựa nổi lênh láng cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của tôm. Mỗi ngày, chúng tôi đều chăm sóc cho tôm đều đặn theo hướng dẫn nhưng tôm vẫn chết nên tôi nghĩ là do môi trường nước ô nhiễm”, một người dân nuôi tôm trên đảo gần 20 năm cho biết.

Chai nước, hộp xốp, túi nilon - những vật dụng tiện lợi này đang trở thành mối lo ngại lớn về rác thải khó xử lý ở các địa phương ven biển. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xử lý rác hiện nay vẫn chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt một cách thủ công, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo UBND xã Cam Bình, rác thải ở đảo Bình Ba đến từ nhiều nguồn: sinh hoạt của người dân, nuôi trồng thủy sản, và phần lớn là rác trôi dạt từ nơi khác. Hiện tại, việc thu gom rác tại Bình Ba chỉ được thực hiện ở bờ biển gần khu dân cư và rất thủ công. Thu gom xong thì cũng không có đủ quỹ đất để chôn lấp và không có hệ thống xử lý rác thải.

 Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết: "Giải quyết được bài toán trước mắt không để rác tồn đọng. Tuy nhiên, về lâu dài, ở đây quỹ đất không có nhiều nên quy hoạch vùng chôn lấp, vùng xử lý rác cũng sẽ gây ô nhiễm. Mà đốt thì cũng thẩm thấu xuống biển, ảnh hưởng lâu dài".

Rác thải trên đảo đã luôn trong tình trạng quá tải. Khu vực tập kết rác cũng không khá hơn khi rác sau khi thu gom được đổ thành đống lộ thiên và ngay trên đỉnh núi. Không có chỗ tập kết nên rác được thu gom về đâu đốt đó, làm cho khu vực này càng ô nhiễm thêm.

Mặc dù trên đảo Bình Ba có một lò đốt để xử lý rác thải, nhưng lò đốt này đã từ lâu không còn hoạt động. Vì vậy, rác thải được tập kết thành núi như thế này rồi được đốt. Khi mưa xuống, nước thải, nước rỉ rác và cả rác thải có nguy cơ tràn xuống biển.

Lãnh đạo xã Cam Bình thừa nhận rằng, ngoài rác thải từ nơi khác trôi dạt vào đảo, còn có rác tại chỗ từ các hộ dân xả ra môi trường. Địa phương đã cố gắng nhưng nhiều vấn đề ngoài khả năng của xã. Vì vậy, rác thải tại Bình Ba mỗi ngày một nhiều thêm, tạo nên một vấn đề môi trường nghiêm trọng cho hòn đảo này.