Trước thông tin rau củ quả Trung Quốc ồ ạt vào chợ khiến người tiêu dùng hoang mang. Để tránh mua phải hàng Trung Quốc và thực phẩm nhiều thuốc trừ sâu, nhiều bà nội trợ đã chọn mua các loại rau của quả nhỏ, vỏ sần sùi, xấu xí, với hy vọng “hàng nội” an toàn. Tuy nhiên, người mua nên cảnh giác kẻo mua phải hàng dạt và không đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
Từ 6 giờ sáng ngày 8/7, quanh khu vực chợ Lê Văn Quới (ngã tư Bình Long - Hương Lộ 2, Q. Bình Tân) trái cây, rau, củ bày kín lề, trong đó đa phần có “ngoại hình” khá xấu xí. Thế nhưng, giá lại cao hơn hàng Trung Quốc từ 3.000-5.000đồng/kg.
Cà chua, cà rốt nội tuy nhỏ, vỏ sần sùi, màu không đẹp nhưng giá khá cao. |
Chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương, khẳng định loại cà rốt nhỏ, vỏ tróc lở, của chị là hàng Việt Nam, không thuốc trừ sâu và chắc giá 20.000đồng/kg. Trong khi, những củ cà rốt to, da láng bóng láng trông rất ngon chỉ 15.000 đồng/kg.
Tương tự, khoai tây Đà Lạt củ nhỏ, méo mó (là khoai tây loại 2) giá 25.000đồng/kg, trong khi khoai tây Trung Quốc, củ lớn, to tròn giá chỉ 20.000đồng/kg. Vậy mà nhiều người nội trợ vẫn chọn mua loại khoai tây nhỏ, giá cao. Hay các loại rau muống, cải xanh, xà lách, cây nhỏ, lá sâu lỗ chỗ, nhìn không mướt, giá từ 15.000-20.000đồng/kg. Bắp cải nhỏ chỉ bằng lòng bàn tay cũng được ưa chuộng, giá 12.000-18.000đồng/kg.
Đặc biệt các loại dưa leo, khổ qua đèo, nhỏ, cong; hay cà chua trái nhỏ, màu vàng, vỏ trầy xước, giá 18.000-20.000đồng/kg rất hút hàng.
Khổ qua đèo luôn hút hàng. |
Chị Trần Ngọc Phượng ở KP3, P. An Lạc (Q. Bình Tân) lý giải việc chọn hàng “trái khoáy” này: “Tôi ớn đồ Trung Quốc lắm, mà rau củ loại lớn thì mình không thể phân biệt được đâu là hàng trong nước, đâu là TQ nên tôi chọn mấy loại nhỏ, đèo, hàng dạt này cho chắc. Dù sao hàng của mình cũng đỡ hơn hàng TQ”.
Còn sạp rau của chị Lê Thị Tươi, chợ Phú Lâm (Q.6), rau má đồng, khổ qua rừng, có giá từ 30.000-45.000đồng/kg. Chị Tươi cho hay: gần đây người tiêu dùng thích những món “đặc sản” rừng, rau củ nhỏ vì mọc tự nhiên, an toàn, không phun thuốc trừ sâu, không dùng chất tăng trưởng.
Người tiêu dùng thích những loại rau củ mà họ tin là “cây nhà lá vườn”. |
Nhưng, có thật sự các loại rau củ nhỏ, xấu xí là an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo giá trị dinh dưỡng? Đại diện HTX Phước An, ông Phan Minh Khải, cho biết: Không phải lúc nào rau, củ, quả có ngoại hình xấu cũng là do không dùng phân bón, thuốc trừ sâu và an toàn cho sức khỏe.
Vì cùng một loại rau, củ nhưng người bán phân ra nhiều loại: 1, 2. Hàng loại 1 to, đẹp, còn hàng loại 2 là những trái xấu, vỏ sần sùi, bị đèo, cong… Do đó, để thực sự mua được rau củ ngon, an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn những cơ sở uy tín, những địa chỉ bán hàng đáng tin cậy.
Ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM cũng cùng quan điểm với ông An khi cho rằng: Không phải rau, củ, quả nào có ngoại hình “dị thường” hay có sâu là không dùng thuốc trừ sâu, an toàn như nhiều người quan niệm. Vì không ít loại sâu kháng thuốc, dù người trồng xịt thuốc nhiều nên vẫn bị sâu bệnh tấn công dẫn đến có hình dáng, kích thước rất xấu.
Ông Tuấn cho biết thêm: Các nguyên nhân làm cho rau quả không an toàn ngoài dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn có dư lượng nitrate, kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen…) các vi sinh vật gây hại (E.Coli, Coliforms, Salmonella…).
Nếu không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, khi lựa chọn rau cử xấu, bị hư, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm hàng dạt |
Với các loại rau ăn lá nếu dư đạm thường có màu xanh đậm, lá to, nhẵn bóng. Với rau muống, nếu dư đạm rau ăn có vị chát, nước luộc khi để nguội có màu xanh đen. Vì vậy, người tiêu dùng không nên theo xu hướng chọn rau củ xấu với lý do là rau sạch. Hơn nữa, với rau củ nhỏ thì giá trị dinh dưỡng không thể bằng loại to, ngon hơn. Tốt nhất là người mua nên chọn hàng ngon, chất lượng, ở những nơi bán uy tín, tin cậy.
(Theo PNO)