Tham vọng thay thế ô tô riêng

Uber bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2014, trong 300 thành phố mà Uber đang hoạt động, TP HCM và Hà Nội là hai nơi có số trung bình chuyến đi mỗi người cao nhất. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với ở New York (Mỹ). Các ứng dụng chia sẻ xe đang bùng nổ và trở thành sự lựa chọn cho tầng lớp trung lưu. Đi lại bằng những chiếc ô tô 4 bánh giúp họ có được sự thoải mái tại một quốc gia nổi tiếng với sự "hỗn loạn" của xe tay ga cùng giá vé taxi đắt nhất Đông Nam Á. 

"Giá và dịch vụ tốt. Lái xe Uber có khiếu âm nhạc. Ngay cả mùi trong xe của Uber cũng hơn so với taxi", một người dùng Uber có tên Nguyễn Phi Yến, chia sẻ.

Theo thống kê, trung bình 100 người Việt chưa đầy 3 người sở hữu ô tô. Dân số Việt Nam là 90 triệu người. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng smartphone cao nhất khu vực. Đó là những điều kiện để các ứng dụng gọi xe có những tham vọng lớn.

"Mục tiêu của chúng tôi là thay thế ô tô riêng. Nếu Uber có mặt khắp mọi nơi, giá rẻ và đáng tin cậy như vậy thì bạn chẳng phải mua ô tô làm gì nữa", Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Uber tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn trên Reuters

Uber tính phí 8.000 đồng/km, rẻ hơn so với mức giá 11.000 đồng đến 15.000 đồng của taxi. Đáng chú ý, giá taxi tại Việt Nam đắt hơn gấp đôi so với ở Bangkok, Manila và Jakarta, theo Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam. 

Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc GrabTaxi Việt Nam, cho biết thế hệ trẻ Việt Nam - hơn 2/3 số người dưới 30 tuổi - đã "sẵn sàng học những điều mới". Tuy nhiên, Tuấn Anh cảnh báo rằng nhiều người vẫn khao khát sở hữu ô tô riêng mặc cho các dịch vụ chia sẻ xe với giá rẻ đang bùng nổ. 

"Nếu dịch vụ của chúng tôi đủ tốt, cung cấp sự tiện nghi, còn khách hàng không có nhu cầu 'khoe khoang, phô trương', có thể họ sẽ tìm đến GrabTaxi", Tuấn Anh trả lời phỏng vấn trên Reuters. Cả Uber và GrabTaxi từ chối tiết lộ số lượng người dùng tại Việt Nam mà họ có bởi điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh thị trường. 

Cạnh tranh từ các đối thủ nội địa

Uber và GrabTaxi sẽ không thể tự do thoải mái phát triển ở Việt Nam theo cách họ muốn, bởi các hãng taxi cũng như những đối thủ khác sẽ không ngồi yên. Hai hãng taxi hàng đầu Việt Nam gồm Mai Linh và Vinasun sẽ sớm ra mắt ứng dụng di động của riêng mình. Hàng loạt ứng dụng gọi xe trước đó cũng đã xuất hiện gồm Xe Cua Toi, LiveTaxi và iMove. "Trong vài năm tới, những ứng dụng này sẽ thay thế hệ thống gọi taxi thông thường trước đây" - Trương Trọng Hào, Giám đốc công ty Tôi Di Chuyển - công ty đứng đằng sau ứng dụng iMove, cho biết. 

Trong một nỗ lực tạo sự khác biệt so với đối thủ, các hãng cung cấp dịch vụ cũng đưa ra những thay đổi để phù hợp với thị trường Việt Nam. GrabTaxi mới đây vừa ra mắt dịch vụ xe ôm GrabBike, còn Uber tháng trước bắt đầu chấp nhận cho người dùng Việt Nam thanh toán tiền mặt khi mà lượng người dùng thẻ tín dụng là không nhiều. Luật tại Việt Nam hiện cũng chưa rõ ràng. Hoạt động của Uber không phải là trái luật, tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách điều chỉnh dịch vụ này.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Việt Nam, nói rằng ứng dụng smartphone đã được cấp phép để hoạt động với "các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thương mại", nhưng bản thân các ứng dụng này không được tự cung cấp dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, sự phát triển không bị cản trở của chúng cho thấy luật không được thực thi và chính quyền tỏ ra đang "thân thiện" với chúng.