Ông Conrad Ożóg Giám đốc bộ phận Truyền thông và Sự kiện của Đại học RMIT Việt Nam vừa đại diện trường nhận giải Rồng Vàng tại sự kiện Liên hoan doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam được tổ chức ngày 8/4 vừa qua tại Hà Nội.

Đây là năm thứ 16 giải Rồng Vàng vinh danh những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thành tựu vượt bậc trong hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam.

Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam cho biết, giải thưởng Rồng Vàng nhận được chính là thêm một lần nữa cam kết của RMIT Việt Nam trong đóng góp liên tục vào chất lượng giáo dụcViệt Nam được công nhận.

Theo Giáo sư Gael McDonald, chú trọng vào trải nghiệm học tổng thể của sinh viên cũng như cải tiến chương trình học, ưu tiên của RMIT Việt Nam là đẩy mạnh và đem đến cho sinh viên trải nghiệm học tập với tài liệu học được số hóa, chương trình học kết nối với các ngành nghề và lồng ghép vào công việc thực sự.

“Năm 2016, chúng tôi đã chuyển 17 môn trọng tâm thuộc các ngành học lớn nhất sang hình thức học tích hợp, đảo ngược và truyền tải theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Chúng tôi cũng thay thế sách giáo khoa giấy truyền thống bằng tài liệu số dưới nhiều hình thức khác nhau và đầu tư vào không gian học tập mới để tăng khả năng sử dụng công nghệ thực tế ảo và tăng cường thực tế ảo cho sinh viên”, Giáo sư Gael McDonald nói.

Giáo sư Gael McDonald cũng cho biết thêm, trong năm 2016, RMIT Việt Nam đã ra mắt Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số nhằm đóng góp vào công cuộc phát triển năng lực giáo dục của đất nước: “Trung tâm đã tổ chức hàng loạt sự kiện trong đó có những buổi nói chuyện của diễn giả là các chuyên gia quốc tế trong ứng dụng phương pháp sư phạm trực tuyến, trên thiết bị di động và kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức chuỗi các buổi tập huấn đầu tiên về cách ứng dụng kỹ thuật số vào lớp học cho giáo viên trung học ở Đà Lạt và TP.HCM”.

Tại Diễn đàn dành cho các giám đốc điều hành diễn ra 1 ngày trước lễ trao giải Rồng Vàng, đại diện RMIT Việt Nam đã cùng các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế thảo luận về những điểm được và mất của các doanh nghiệp trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng mà trong đó máy tính và thiết bị tự động hóa sẽ cùng đồng hành theo cách hoàn toàn mới.