Tài liệu trên lần đầu tiên tiết lộ mức độ các cuộc thảo luận của Washington về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Trung Quốc Đại lục đưa quân vào đảo Đài Loan, bao gồm cả việc một số lãnh đạo quân đội Mỹ đã chấp nhận khả năng các căn cứ Mỹ bị tấn công hạt nhân trả đũa.
Thông tin mới này được cung cấp cho tờ New York Times bởi Daniel Ellsberg, người từng rò rỉ Hồ sơ Lầu Năm Góc về sai lầm của chính phủ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
“Việc Mỹ là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân không nên được dự tính, chuẩn bị hoặc đe doạ tiến hành ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả bảo vệ Đài Loan”, ông Ellsberg đăng trên Twitter hôm 23/5.
Việc rò rỉ thông tin liên quan đến khủng hoảng Eo biển Đài Loan xuất phát từ những phần tài liệu mật nằm trong báo cáo năm 1966 của tổ chức Rand Corporation về cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1958, được viết bởi M. H. Halperin, thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó.
Tàu sân bay Lexington của Mỹ trong trong cuộc khủng hoảng năm 1958. Ảnh: Wikipedia |
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949 sau cuộc nội chiến, chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch phải chạy sang Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, và hai bên đã xung đột liên tục trong nhiều thập kỷ sau đó.
Lần gần nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột vũ trang là trong cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1958, khi Trung Quốc nã pháo vào các đảo xa của Đài Bắc. Washington lo ngại vụ pháo kích có thể là dấu hiệu báo trước một chiến dịch quân sự toàn diện từ đại lục nhằm sáp nhập Đài Loan.
Các cuộc pháo kích tập trung vào các nhóm đảo Quemoy và Matsu, nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục, được Rand Corporation mô tả là "tuyến phòng thủ đầu tiên" của Đài Bắc.
Mặc dù công chúng đều biết chính quyền Tổng thống Mỹ Eisenhower khi đó đã tranh luận về việc có nên sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn cản Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không, nhưng đây mới là lần đầu tiên các tài liệu rò rỉ tiết lộ mức độ của các kế hoạch này.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trên không và trên biển vào các hòn đảo, Tướng Không quân Mỹ Nathan Twining cho biết Mỹ sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào các căn cứ không quân Trung Quốc “để ngăn chặn một chiến dịch tấn công đường không thành công”. Kế hoạch này sẽ mở màn bằng vũ khí hạt nhân “công suất thấp, từ 10-15 kiloton”.
Máy bay F-104A của Mỹ tại Đài Loan vào ngày 15/9/1958. Ảnh: Starfighter |
Nếu một cuộc không kích như vậy vẫn không phá vỡ được chiến dịch tấn công từ Trung Quốc đại lục, “Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác là tiến hành tấn công hạt nhân vào sâu lãnh thổ Trung Quốc, đến tận Thượng Hải ở phía bắc”.
Theo tài liệu rò rỉ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã thừa nhận một cuộc tấn công như vậy “gần như chắc chắn” sẽ dẫn đến trả đũa hạt nhân đối với Đài Loan và căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản. “Nhưng ông ấy nhấn mạnh rằng nếu chính sách quốc gia là nhằm bảo vệ các đảo ngoài khơi thì hậu quả phải được chấp nhận” – tài liệu cho biết.
Do Trung Quốc khi đó vẫn chưa phát triển năng lực hạt nhân của riêng mình, bất kỳ đòn trả đũa hạt nhân nào sẽ đến từ Liên Xô, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn cầu thậm chí còn tàn khốc hơn. Tuy vậy, báo cáo không cho biết đòn trả đũa hạt nhân sẽ bắt nguồn từ đâu.
Đảo Quemoy bị oanh tạc trong cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1958. Ảnh: Starfighter |
Tài liệu trên cũng cho biết các Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đặc biệt là Tướng Twining, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "không thể tránh khỏi”. Ở một đoạn của tài liệu, Tướng Laurence S. Kuter, một tư lệnh Không quân hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương, "thẳng thừng" tuyên bố rằng bất kỳ hành động không quân nào của Mỹ chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc vào các đảo ở Eo biển Đài Loan sẽ "không có cơ hội thành công trừ khi vũ khí nguyên tử được sử dụng ngay từ đầu”.
Nhưng cuối cùng, Tổng thống Eisenhower đã do dự trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân và yêu cầu quân đội Mỹ sử dụng vũ khí thông thường. Sau đó, một lệnh ngừng bắn ở Eo biển Đài Loan đã đạt được vào ngày 6/10/1958.
Joshua Pollack, biên tập viên của Tạp chí Nonproliferation Review, bình luận trên Twitter hôm 23/5 rằng ý tưởng Mỹ mạo hiểm “trao đổi” hạt nhân với Liên Xô vì những hòn đảo "không có giá trị quân sự" là "nghịch tai". "Không có gì ngạc nhiên khi Nhà Trắng nói không", ông Pollack nói.
Trong bài phát biểu vào tháng 1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo ông sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" và không "từ bỏ việc sử dụng vũ lực" để đưa Đài Loan trở lại Trung Quốc đại lục.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với Đài Loan, hòn đảo gần 24 triệu dân nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục, mặc dù hai bên đã được kiểm soát bởi hai chính quyền riêng biệt trong hơn 7 thập kỷ qua.
Theo Báo Tin tức
Trận so găng kinh thiên động địa trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Năm 1894 đã diễn ra cuộc chiến giữa hạm đội Bắc Dương của Trung Quốc với hạm đội Nhật Bản. Hạm đội Bắc Dương khi đó được coi là “mạnh nhất châu Á” và “mạnh thứ 8 trên thế giới”.
Cận cảnh nơi vừa xảy ra đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ
Bốn lính Ấn Độ và 7 lính Trung Quốc bị thương trong một cuộc đụng độ liên quan tới khoảng 150 binh sĩ của cả hai bên tại đèo Naku La, bang Sikkim của Ấn Độ.