Phóng viên đang liên hệ với bộ phận truyền thông của Alibaba để xác nhận thông tin này.

eMonkey đã hợp tác với Alibaba từ khá lâu…

{keywords}
Hiện trên thị trường đã có khoảng 30 ví điện tử được cấp phép hoạt động. Ảnh minh họa.

Trên thực tế, eMonkey (viết tắt eM) đã có sự hợp tác với trang thương mại điện tử Lazada của Alibaba tại Việt Nam từ khá lâu. Trên website Lazada.vn, ví điện tử eM được giới thiệu là phương thức thanh toán trực tuyến được cung cấp và vận hành bởi M-Pay, một công ty cung ứng dịch vụ ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Như vậy, trước khi rò rỉ thông tin Alibaba mua lại một lượng lớn cổ phần của eM, hai bên đã là đối tác, song ở mức độ nào thì chưa bao giờ được công bố chi tiết.

Trong thương vụ được Reuters đề cập mới đây, tỉ lệ cổ phần tại eMonkey được Ant mua lại được cho là không quá 49%, tuy nhiên giá trị thương vụ là bao nhiêu thì không được công bố công khai.

Liên hệ với bộ phận truyền thông của Lazada.vn, thông tin thương vụ chưa được xác nhận và phóng viên được hẹn rằng “sẽ hỏi thông tin từ bên vùng”.

Trước thương vụ được cho là giữa Alibaba và eM, những thương vụ hợp tác khác từng được biết đến là giữa Grab và ví điện tử Moca, giữa Shopee với ví điện tử AirPay.

Sở dĩ các trang thương mại điện tử 100% vốn nước ngoài như Lazada hay Shopee hay những ứng dụng cũng đến từ nước ngoài như Grab phải hợp tác với các ví điện tử của Việt Nam vì theo các qui định hiện hành, ví điện tử nước ngoài không được phép hoạt động tại Việt Nam, và các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Hạn mức sở hữu tối đa cổ phần là bao nhiêu?

Văn bản pháp qui điều chỉnh trực tiếp về dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay là Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ ban hành vào năm 2012. Tuy nhiên, Nghị định 101 cũng như Thông tư hướng dẫn số 46/2014/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào năm 2014 chưa đề cập rõ về hạn mức tối đa về cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tại các công ty công nghệ tài chính (fintech), cổng thanh toán cũng như ví điện tử.

{keywords}
eMonkey đã được dùng làm phương thức thanh toán trên Lazada lâu nay (ảnh chụp màn hình).

Còn gần đây, dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam soạn thảo đưa ra hạn mức sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp fintech Việt Nam là không được quá 49%. Tuy nhiên, hạn mức này chưa nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp fintech.

Tại hội thảo góp ý về dự thảo do VCCI tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử - cho rằng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt rất cần phải có nguồn lực đầu tư nước ngoài, vì lĩnh vực fintech có nhiều rủi ro nhưng nguồn vốn trong nước lại chưa sẵn sàng.

Còn theo ông Phùng Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, hiện nay trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của các fintech, vì thế nếu hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech.

Theo tiết lộ từ một doanh nghiệp fintech, hiện các ví điện tử có vốn đầu tư nước ngoài hầu hết đã chiếm trên 50% cổ phần, nếu phải điều chỉnh lại hạn mức 49% theo qui định mới sau này sẽ gây ra khó khăn, ách tắc tại các doanh nghiệp fintech.

(Theo Lao Động)