Đối nội "phá" đối ngoại
Xu hướng hoạt động chính trị đối nội tác động xấu đến quan hệ hợp tác song phương, và sự thống nhất trong các mục tiêu trọng yếu của khu vực, đang trở thành mối đe dọa sự ổn định trung và dài hạn ở Đông Á.
Tại Mỹ, sự phân cực trong các hoạt động đối nội lộ rõ ảnh hưởng tiêu cực lên chính sách ngoại giao của nước này. Lề thói gây khó dễ cho các đạo luật mới và sự ùn ứ đang bủa vây chương trình Obamacare, cuộc tranh cãi về trần nợ công và những bàn cãi về ngân sách đã khiến Tổng thống Obama không thể tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Indonesia và Brunei tháng 10/2013.
Và tác động rõ ràng không chỉ dừng lại đó. Sự tín nhiệm dành cho Mỹ trong vai trò lãnh đạo bị xói mòn nghiêm trọng. Sự ủng hộ của công chúng dành cho Tổng thống Obama cũng suy yếu bởi tình trạng bế tắc chính trị này.
Tại Trung Quốc, dù Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ ba hồi tháng 11/2013 hứa hẹn tiến hành nhiều cải cách, nhưng hiện nước này vẫn đang phải vật lộn với một loạt thách thức chính trị trong nước. Chẳng hạn: sự bất bình đẳng thu nhập tăng lên nhanh chóng, tham nhũng tràn lan, các vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm không khí và sự thiếu một cuộc cải cách cơ cấu để chuyển dịch theo hướng tăng trưởng bền vững...
Thất bại trong việc giải quyết những thách thức chính trị kể trên có nguy cơ đe dọa uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Viễn cảnh này tiềm ẩn nguy cơ: Bắc Kinh có thể bị cuốn vào vòng xoáy mạo hiểm trong chính sách đối ngoại, để đánh lạc hướng chú ý khỏi những yếu kém của bộ máy quản lý, tập trung sự phẫn nộ của công chúng vào một kẻ thù bên ngoài, nhằm đạt được sự đoàn kết trong nước.
Ở Nhật, tình hình kinh tế dường như bắt đầu khởi sắc với thành công ban đầu của học thuyết kinh tế Abe. Tuy nhiên, mặc dù hai mũi tên đầu tiên (chính sách tiền tệ mạnh tay và chi tiêu tài khóa linh hoạt) đã trúng đích, nhưng đà bắn mũi tên thứ ba của chiến lược tăng trưởng lại chưa cho thấy rõ kết quả. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn, bởi mũi tên này có nhiệm vụ phải tạo ra tác động lớn nhất để học thuyết kinh tế Abe có thể thành công trong dài hạn.
Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP |
Mặc dù cho đến nay Thủ tướng Abe vẫn giữ lập trường tương đối thực tế, song một thất bại kinh tế vào lúc này có thể buộc ông phải thúc đẩy các chính sách dân tộc và bảo thủ, có nguy cơ làm xấu hơn nữa mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ở Hàn Quốc, tòa án bảo hiến của nước này đã phán quyết nêu rõ, việc từ chối quyền đòi bồi thường của các nạn nhân Hàn Quốc vì những tổn thất trong thời kỳ Nhật chiếm đóng là hành vi vi phạm nhân quyền và hiến pháp. Mặc dù tòa án này chỉ có thẩm quyền trong nước, nhưng phán quyết trên mâu thuẫn với đường lối của chính sách đối ngoại Hàn Quốc và thỏa ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965.
Với hiệp định về quyền đòi bồi thường và hợp tác kinh tế này, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giải quyết mọi khiếu nại pháp lý giữa hai nước, và Nhật Bản cấp cho Hàn Quốc một khoản viện trợ kinh tế là 500 triệu USD. Chính vì vậy, hành động xoa dịu trong nước kia đã tấn công vào đúng cột trụ cho mối quan hệ song phương Nhật - Hàn và vô cớ đẩy căng thẳng lên cao.
Nguy cơ phá vỡ trật tự khu vực
Chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên ở khu vực Đông Bắc Á, và sự lây lan của nó sang các hoạt động hoạch định chính sách đối ngoại trong khu vực đang gia tăng thêm thách thức cân bằng chính sách đối nội và đối ngoại.
Câu chuyện dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, chú trọng đến vai trò của Đảng Cộng sản nước này trong việc khắc phục những đau thương liên quan đến quân đội Nhật trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tâm lý mang quốc nhục và bài Nhật của Trung Quốc vẫn âm ỉ nơi tuyến đầu ý thức dân tộc của người Trung Quốc. Và bây giờ, với sự nổi lên như là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đồng thời là nước có chi tiêu quốc phòng đứng hàng thứ hai, Trung Quốc bắt đầu giành lại sự tự tin dân tộc.
Trong các cuộc thảo luận nội bộ, Trung Quốc bắt đầu đặt ra những câu hỏi về tính thích đáng của đường lối đối ngoại "kiềm chế" do ông Đặng Tiểu Bình chủ trương. Một số nhà dân tộc chủ nghĩa bảo thủ dường như cũng nghiêng theo hướng vứt bỏ nguyên tắc này một khi Trung Quốc chắc chân ở vị trí đại cường quốc.
Tình thế này buộc Nhật Bản phải có những nỗ lực lớn hơn để phòng vệ trước những thay đổi đơn phương vào hiện trạng, và đưa Trung Quốc vào mối quan hệ hiện có giữa Mỹ và Nhật như một bên hữu quan có trách nhiệm trong khu vực.
Sự lạc quan với tốc độ khôi phục tuyệt vời từ đống tro tàn chiến tranh, và tái thiết đất nước ở vị thế siêu cường kinh tế của Nhật đang dần sụp đổ. Trong những thập kỷ kể từ khi bong bóng tài sản nổ tung hồi đầu thập niên 1990, tăng trưởng kinh tế của Nhật chạy theo đường nằm ngang. Chính phủ Nhật không có nổi một hành động dứt khoát nào giúp nền kinh tế hồi sinh.
Không dừng lại đó, nỗi thất vọng của người dân Nhật bị dội thêm bởi các thách thức nhân khẩu học. Người ta ngày càng hoài nghi với lập trường hòa bình của Nhật Bản sau chiến tranh, và sự nổi lên của Trung Quốc cũng như mối đe dọa từ phía Hàn Quốc dễ dàng trở thành mục tiêu được chọn để trút bỏ nỗi thất vọng. Cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy 90% người dân Nhật có cảm xúc tiêu cực với Trung Quốc và ngược lại.
Trong khi đó, với lịch sử là một đất nước nằm trên các trục giao giữa Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Hàn Quốc mang trong mình một ý thức vô cùng mạnh mẽ về bản sắc dân tộc. Đất nước này liên tục đạt được những tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trở thành thành viên của khối OECD, và có một quá trình dân chủ hóa đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, ý thức bản sắc đó thiếu đi sự ổn định. Bằng chứng là Hàn Quốc tiếp tục tập trung vào các vấn đề lịch sử và hành động sai trái của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20, theo cung cách có thể làm phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Việc nuôi dưỡng những suy tính thiển cận và khắc sâu lập trường đối lập đang ngày một định hình bản sắc dân tộc của các nước Đông Bắc Á sẽ gây rắc rối lớn. Các nhà lãnh đạo cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy các câu chuyện dân tộc trong khuôn khổ hợp tác khu vực rộng hơn, tập trung vào hòa bình, sự thịnh vượng chung, cũng như vận mệnh liên hệ mật thiết của các nước trong khu vực.
Nếu tư thế đối đầu được củng cố, sẽ xảy ra nguy cơ là trật tự của khu vực trong tương lai có thể bị phá hỏng. Nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là phải nhận thức rõ những thay đổi trật tự khu vực trong trung hạn và dài hạn, và tập trung vào quan hệ hợp tác khu vực. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể hi vọng đến một nền hòa bình, thịnh vượng, ổn định chung ở Đông Á.
Hà Trang (theo Eastasiaforum)
----
Tác giả bài viết, Hitoshi Tanaka là thành viên cấp cao của Trung tâm Trao đổi Quốc tế Nhật Bản và là Chủ tịch Viện Chiến lược Quốc tế, trực thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản. Trước đó ông từng là thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản.