- Ngày 29 Tết (1/2), nhà nhà tất bật sửa soạn, trang hoàng đẹp đẽ, chuẩn bị bánh chưng, mâm ngũ quả,... để chào đón
năm mới. Không khí đón xuân rộn rã đã len lỏi qua từng góc phố, ngõ xóm ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam.
TIN BÀI KHÁC
Thời tiết miền Bắc được dự báo sẽ còn rét đậm đến hết ngày 29 Tết (1/2) do ảnh hưởng của một khối không khí lạnh tăng cường. Sau đó, nhiệt độ sẽ nhích dần lên và người dân miền Bắc sẽ được đón Tết Nguyên Đán trong tiết trời ấm áp.
Những ngày này chủ đề Tết, vui xuân đang là cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Yahoo! Đồng nghĩa người dân Việt Nam đang háo hức mong chờ Tết và tất bật sửa soạn để đón chào một năm Tân Mão an lành và may mắn.
Đào, quất ồ ạt “Nam tiến”
Thay vì chỉ dùng mai để chơi Tết, nhiều gia đình phía nam năm nay chuyển hướng sang dùng đào. Dù nhiều người nhận định thị trường đào tết năm nay tương đối đắt đỏ và khan hàng do thời tiết quá lạnh, đào bị “mù” đến gần 90% song nhiều người dân tại TP.HCM cho rằng mức giá tăng thêm khoảng 15-20% là hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Nhiều người dân tại TP.HCM hồ hởi đi chọn đào tại khu bày bán trong công viên Hoàng Văn Thụ (Ảnh: Dân Trí) |
Anh Bình (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay: “Ban đầu gia đình tôi định mua mai về chơi Tết, nhưng khi đi qua hàng bán đào hỏi giá những cành to, đẹp cũng chỉ có 1,5 triệu đồng nên gia đình tôi quyết định “đổi gió” mua đào để đón xuân”.
Theo nhiều người bán đào tại khu công viên Hoàng Văn Thụ, đào ngoài Bắc vì trời quá rét nên khó nở nhưng khi gặp trời nắng ấm trong Nam thì nở rất nhanh và khoe sắc rất đẹp. Cũng theo những người này với mức giá từ 2-4 triệu đồng là người dân đã có thể sở hữu được những cành đào cỡ lớn, bông nhiều.
Hội hoa xuân tưng bừng khắp 3 miền
Tại Hà Nội, lễ hội hoa xuân lần thứ 5 được tổ chức tại khu vực hồ Thiền Quang kéo vào đến khu vực phía trong Công viên Thống Nhất đã bắt đầu diễn ra từ ngày 27/1 và sẽ kéo dài đến hết ngày 1/2 (29 Tết).
Lễ hội quy tụ các gian hàng chợ hoa của các làng hoa, phố hoa nổi tiếng ở Thủ đô như Ngọc Hà, Nhật Tân, Tây Tựu, Mê Linh… cùng khu trưng bày triển lãm các mô hình mỹ thuật, tranh ảnh, hoa xuân, thư pháp câu đối, các sản phẩm hoa khô, hoa giấy, hoa sắt, đồng… Các sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như giò chả Ước Lễ, mứt Xuân Đỉnh… cũng tham gia góp mặt trong lễ hội này.
Hoa cúc bung nở sắc vàng rực rỡ trong công viên Thương Bạc, Huế (Ảnh: VNE) |
Tại Huế, với sự có mặt của hơn 500.000 hoa, cây cỏ, Hội hoa xuân Huế tại công viên Thương Bạc, công viên 19 Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, TP Huế diễn ra từ 31/1 – 6/1 (mùng 5 Tết) đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Những chiếc xích lô chở hoa rực rỡ cả một góc đường, cố đô Huế lung linh đón chào xuân mới.
Tại TP.HCM, lễ hội hoa xuân lần thứ 31 tại công viên Tao Đàn dự định sẽ kéo dài liên tiếp trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ 28/1 – 8/2 (mùng 6 Tết).
Gian hàng hoa đất tại lễ hội hoa xuân trong công viên Tao Đàn. (Ảnh: Dân Trí) |
Chen chân đi chợ quê giữa lòng thành phố
Cách trung tâm các thành phố lớn không xa, nhưng nơi ấy vẫn có những phiên chợ đậm chất quê. Không có mặt hàng xa xỉ, không hào nhoáng, ồn ào mà gần gũi, dân giã.
Tại Hà Nội, ngày 29 Tết là phiên chợ Bưởi cuối cùng. Có lẽ đây là chợ duy nhất tại thủ đô còn giữ được nếp họp phiên thường lệ. Vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu lân cận lại kéo về chợ Bưởi để bày bán các loại nông sản dân giã như các loại cây, con, vật dụng nông nghiệp…
|
Một ông thợ cắt tóc bình thản cắt tóc cho khách ngay trước hiên nhà. Phiên chợ 29 Tết không vội vã, hối hả. (Ảnh: Vnmedia) |
Phiên chợ 29 Tết năm nay đông lạ thường. Người ta sẽ thấy một bà cụ bán bánh chưng ngay sát cổng làng, một ông thợ cắt tóc hớt tóc ngay trước hiên nhà, những hàng hoa quả san sát nhau, một dãy bán các sản vật thôn quê, đôi ba hàng bán cau, trầu… Phiên chợ làm sống dậy một góc thôn quê giữa lòng Hà Nội – thứ lâu nay đã bị phai nhạt dần cùng dòng chảy vồn vã của lối sống đô thị.
Tại TP.HCM, những chợ nhỏ gần các khu công nghiệp ngày cuối năm xem ra được nhiều người ưa chuộng. Khách hàng tại các chợ này hầu hết là những người lao động bình dân, công nhân không về quê ăn tết. Họ chen nhau sắm tết, đơn giản vì… chợ hợp túi tiền.
|
Người lao động nghèo, công nhân chen nhau sắm Tết trong các khu chợ bình dân tại chợ Hiệp Thành. (Ảnh: Dân trí) |
Không có hàng hiệu, hàng made in Japan hay Thailand, người dân khi mua sắm trong khu chợ Hiệp Thành (quận 12) chỉ cần bỏ ra đôi ba chục ngàn là đã có thể mua sắm được một bộ quần áo mới cho con, thêm 100.000 bộ ấm chén, vài chục ngàn cho một chậu hoa…
Những người bán hàng tại Hiệp Thành cho biết các mặt hàng tại đây đều “mềm” hơn nhiều nơi khác vì hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc. “Những ngày này mặt hàng quần áo, giày dép là bán chạy nhất, hoa quả cũng bán được, nhưng chỉ hàng vừa vừa thôi, hàng to, đẹp thì ít người hỏi đến vì hơi mắc (nhiều) tiền”, chị Thanh, bán quần áo cho hay.
Phương Anh (tổng hợp)