Tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng khoai lang trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 10.000 ha, sản lượng đạt 300.000 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng khoai lang tập trung chủ yếu tại các huyện Lắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột.
Với việc Nghị định thư với Trung Quốc về kiểm dịch mặt hàng này đã được ký kết từ tháng 11/2022, khoai lang của tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khẩu chính ngạch.
Để chuẩn bị cho nguồn cung khoai lang đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thay đổi thói quen canh tác từ chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng. Hiện tỉnh Đắk Lắk đã được cấp mã số sang Trung Quốc dự kiến cho sản lượng khoảng 50.000 tấn.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, quy trình sản xuất khoai lang toàn bộ theo hướng sinh học VietGAP, sử dụng công nghệ cao và phân vi sinh.
Hiện Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên đang tiến hành liên kết và xây dựng 12 mã vùng trồng khoai lang cho hơn 1.000 ha của nông dân, tổ hợp tác và HTX tại các huyện Ea Kar, Krông Ana, Cư M’gar, Lắk và Ea H’leo.
Khi liên kết nông dân liên kết với doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên sẽ hỗ trợ người trồng khoai lang xây dựng, thiết lập mã vùng trồng. Hỗ trợ kỹ thuật để người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh nghiệp cũng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các hộ dân.
Nhờ lợi ích kinh tế mang lại, tỉnh Đắk Lắk xác định cây khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực, là cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.