“Thói quen dùng gỗ tự nhiên, quý hiếm của người Việt là một trong những nguyên nhân chính khiến rừng Việt Nam suy kiệt”.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Rừng mưa nhiệt đới Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2 (2rd Asia-Pacific Rainforest Summit) vừa diễn ra tại Berakas Brunei, TS Lê Thiện Đức từ tổ chức WWF (World Wildlife Fund – Quỹ động vật hoang dã thế giới) đã nói thẳng như vậy.

Chuyện rừng vàng đang được thảo luận kỹ lưỡng trong khuôn khổ diễn đàn, bộ trưởng các nước trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng ở Việt Nam được dẫn ra như một ví dụ điển hình. Theo báo cáo của Tổ chức lâm  nghiệp quốc tế CIFOR, trong vòng 50 năm qua diện tích rừng Việt Nam đã  giảm nghiêm trọng. Vào năm 1943, diện tích rừng của Việt Nam là 14,3 triệu ha, tương đương với độ che phủ rừng là 43%. Đến năm 1990, chỉ còn khoảng 9,175 triệu ha (khoảng 27,8% diện tích đất) còn rừng.

{keywords}

Gỗ được khai thác và xẻ ván ngay tại khu rừng nguyên sinh. Ảnh: cand

Các đại biểu phân tích kỹ lưỡng và đưa ra kết luận đáng lưu tâm rằng, từ năm 1975, cùng với diện tích rừng giảm, đa dạng sinh học của Việt Nam bị đe doạ nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do khai thác gỗ thương mại, chuyển đổi đất đai, mở rộng sản xuất nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là để xây dựng các nhà máy thuỷ điện và cháy rừng.

Thông tin do CIFOR công bố đã chỉ ra rằng, khai thác gỗ là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái rừng ở Việt Nam.

Khai thác gỗ là thu hoạch gỗ theo kế hoạch để xuất khẩu, để làm nguyên liệu sản xuất giấy, gỗ chống lò và các hoạt động khat thác gỗ thương mại quy mô lớn do chính phủ cấp phép. Nhu câù nguyên liệu cho các nhà máy giấy dẫn đến việc chặt phá cả rừng tự nhiên và rừng trồng quy mô lớn.

Không chỉ có vậy, việc khai thác gỗ “không bền vững” dẫn đến huỷ diệt tài nguyên rừng Việt Nam còn do văn hoá của người Việt,  TS Lê Thiện Đức bổ sung.

Theo ông Đức, “tình trạng mất rừng xảy ra liên tục, ở khắp nơi. Nguyên nhân mất rừng đã nói đến rất nhiều, chủ yếu do nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên, đặc biệt là những loài gỗ quý hiếm của người Việt, không thích sử dụng gỗ rừng trồng; bên cạnh những nguyên nhân như cháy rừng, phát triển hạ tầng, sức ép dân số dẫn đến chuyển đổi đất canh tác”.

Bài học giữ rừng của Brunei

TS Leslie Chiang, Brunei chia sẻ kinh nghiệm giữ rừng  dựa vào cộng đồng.

Ông quả quyết đây là mô hình thành công cho việc bảo tồn sinh thái tự nhiên và văn hoá bản địa ở Brunei. Bằng cách này, ông Leslie Chiang đã “tạo ra” làng du lịch sinh thái Sumbiling Eco Village (SEV)- một hình mẫu được dẫn ra như một biểu tượng thành công.

Theo đó, dân bản địa đóng góp về nhân lực, các hoạt động văn hóa, ý tưởng bảo tồn cảnh quan…. Sự phối hợp giữa nhà khoa học và dân địa phương sẽ giúp phần đắc lực để bảo tồn từng khu rừng, từng con suối, từng bản làng cổ gần như trọn vẹn. Thực tế đã chứng minh đây là cách làm bền vững. Làng Sumbiling Eco luôn thu hút hàng ngàn khách du lịch đến thăm khu rừng, môi trường gần như được bảo tồn nguyên vẹn. 

TS Leslie Chiang chia sẻ bí kíp qua việc khuyến khích từng người dân “xây dựng lòng tự trọng” qua các hành động trân trọng, tự hào về các giá trị bản sắc của mình, của ngôi làng. Bên cạnh đó, giới chuyên gia sẽ tiếp sức cho họ, trau dồi cho họ những kiến thức về môi trường, về kinh tế cho phù hợp. Đáng lưu ý là người dân ở đây, gần như không sử dụng các vật liệu như nhựa, sắt và hoá chất.

“Dân làng là một phần không tách rời của Sumbiling Eco Village”, ông  Leslie Chiang quả quyết.

Từ câu chuyện thành công được mắt thấy tai nghe ở Brunei tôi không khỏi không nghĩ tới trăn trở của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về rừng Tây Nguyên, Việt Nam: “Hãy trả rừng về cho làng”.

Xem ra, cách nghĩ, hướng làm của các nhà khoa học Việt Nam – Brunei không khác nhau là mấy. Đây là một gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam lưu tâm tham khảo.

Hoàng Hường từ Brunei