Apple vừa chính thức trang bị sạc không dây cho iPhone. Công nghệ này tuy không xa lạ nhưng vẫn còn khá mới mẻ với người dùng phổ thông.
Apple chọn chuẩn Qi dùng công nghệ sạc cảm ứng cho iPhone 8 và iPhone X. Samsung cũng dùng chuẩn sạc không dây tương tự cho dòng Galaxy cao cấp.
Hiện có 90% smartphone hỗ trợ công nghệ sạc không dây dùng chuẩn Qi, là một trong ba chuẩn sạc không dây phổ biến nhất hiện nay. Qi cũng là cái tên không hề xa lạ trong ngành công nghiệp ôtô. Gần 80% mẫu xe của Audi, Chevrolet, KIA, Hyundai, Nissan và BMW dùng chuẩn này.
Theo Wireless Power Consortium (WPC), trên thế giới có hơn 5.000 trạm sạc không dây dùng chuẩn Qi. Các thương hiệu lớn như like McDonald's, Marriott, Ibis... đều có trạm sạc không dây riêng.
Các sân bay lớn như London Heathrow, Philadelphia và nhiều sân bay khác cũng dùng Qi. Nhiều doanh nghiệp lớn như Facebook, Google, Deloitte, PwC và Cisco đều có trạm sạc Qi trong văn phòng.
Theo số liệu mới nhất của IHS Markit, số thiết bị hỗ trợ sạc không dây đã vượt qua con số 200 triệu thiết bị/năm lần đầu tiên trong năm ngoái, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số lượng smartphone và thiết bị đeo tăng mạnh.
Sạc không dây có gây hại?
Tuy sạc không dây tiện lợi là vậy nhưng liệu nó có ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin khi smartphone luôn trong tình trạng được sạc đầy hay không?
Venkat Srinivasan, giám đốc Trung tâm Cộng tác Argonne về Khoa học Lưu trữ Năng lượng (ACCESS), cho biết tuy không thể sạc quá dung lượng pin smartphone hay tablet (thiết bị không cho phép điều này), việc luôn giữ thiết bị ở trạng thái sạc đầy sẽ khiến tuổi thọ của pin suy giảm.
“Nói một cách dễ hiểu, khi dung lượng pin sạc ở trạng thái càng cao, chẳng hạn sạc tới 90%, 95%, hoặc 100%, tuổi thọ của pin càng giảm”, Venkat Srinivasan cho biết.
Trong khi quá trình pin lithium-ion sạc và xả, các ion sẽ di chuyển qua lại giữa cực dương và cực âm. Khi pin sạc, cực dương sẽ giải phóng lithium ion để di chuyển tới cực âm, năng lượng sẽ được sinh ra và tích trữ.
Khi pin xả, các ion trên sẽ di chuyển lại cực dương sinh ra dòng điện. Sau quá trình các dòng lithium ion di chuyển qua lại như vậy, chất điện phân sẽ giảm dần theo thời gian. Vậy nên, thời lượng pin sạc càng cao, chất điện phân càng giảm nhanh hơn,
Người dùng được khuyến nghị không nên để điện thoại cạn kiệt pin mới bắt đầu sạc, và không nên sạc đầy. Chỉ sạc pin dao động trong khoảng 45% - 55%, và cần chú ý là không sạc đầy pin.
Tuy nhiên, hầu hết tuổi thọ pin của smartphone đều từ 2-3 năm, nên nếu có ý định thay điện thoại sau từng ấy năm, bạn cũng không cần quá quan tâm tới cách sạc pin.
Tác hại từ việc sạc đầy pin cũng giảm dần theo thời gian nhờ các hệ thống quản lý pin di động phức tạp và bản thân công nghệ pin cũng có sự cải tiến.
Cách đây khoảng 10 năm, nếu luôn sạc pin với dòng 4.2V, pin sẽ rất nhanh chết. Còn nay, cần ít nhất dòng 4.4V, pin mới nhanh tổn hại. Tuy nhiên, nếu chịu móc hầu bao khoảng 20 USD, bạn sẽ thay quả pin mới mà không phải lăn tăn quá nhiều về việc sạc pin thế nào cho đúng.
Với 20 USD, chắc chắn nhiều người sẽ chọn trải nghiệm sử dụng tiện lợi, sạc pin bất cứ lúc nào họ muốn, thay vì phải gò bó sạc pin đúng cách. Tuy nhiên, nếu là fan Quả táo, có thể bạn sẽ phải móc hầu bao nhiều hơn. Thay pin cho iPhone mới sẽ mất khoảng 79 USD.
Theo Zing