"Hội chợ sách Paris khiến tôi vô cùng hoang mang, bởi có quá nhiều nhà xuất bản, nhưng trong đó chỉ có vài nơi dịch sách Việt", tác giả "Cơ hội của Chúa".


Hội chợ sách Paris được thành lập từ năm 1981. Năm nay, Hội chợ sách Paris diễn ra từ ngày 22-25/3. Ngày 22/3 Tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” của NXB Riveneuve đã chính thức ra mắt. Ba tiểu thuyết gia - Thuận với “T mất tích”, Nguyễn Việt Hà với “Cơ hội của Chúa” và Đỗ Khiêm với “Khmer Boléro”, là khách mời của Hội chợ. Đoàn Cầm Thi xuất hiện với tư cách là phụ trách Tủ sách đồng thời là dịch giả của “T mất tích” và “Cơ hội của Chúa”. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện bốn nhà văn Việt Nam.



Dịp hiếm hoi để nhà văn và độc giả “khám phá” lẫn nhau

Ở góc độ người viết, theo từng nhà văn, nhìn nhận thành công một Hội (chợ) sách là gì?

Đoàn Cầm Thi: Theo tôi, một Hội chợ sách thành công khi nó có chỗ đứng cho mọi nhà xuất bản, mọi nhà văn và mọi độc giả, không kể lớn nhỏ, ngôn ngữ, màu da.
 
Từng nhà văn mong muốn gì khi đến với những hoạt động như vậy?

Đỗ Khiêm: Động cơ thứ nhất của người viết là đến với người đọc, không phải là quẳng giấy đã in vào không khí trong khi hú lên tiếng hú thiền sư. Đo đếm nhiều ít cho thấy sự thành công này ở mức độ nào. Hội chợ sách khác nhà sách hay trên mạng là người viết được ‘còm’ tại chỗ trong lúc giao lưu và trao đổi với người đọc và nhìn thấy hình ảnh của tác phẩm thấp thoáng nơi người đọc, dĩ nhiên là kiểu tha thướt một tà áo thôi, nhưng thế cũng đủ rồi, có khi thấy nhiều lại đâm ra thêm mệt. Việc này giống như ngồi quán hay ra (hội) chợ nhìn người qua lại và hẳn khác với việc ngồi nhà nhìn tường (tuy sông có khúc thì nhìn tường cũng có lúc, tùy thôi).

Đoàn Cầm Thi: Đây là dịp hiếm hoi để nhà văn và độc giả “khám phá” lẫn nhau. Lần này, tôi chứng kiến nhiều độc giả, sau khi đọc Nguyễn Việt Hà, Thuận và Đỗ Khiêm, đã đến Hội chợ, vòng vo tìm tới gian hàng của Riveneuve, chỉ để được xin chữ ký và cố trao đổi dăm ba câu với các nhà văn đang bận túi bụi. Thật là bất ngờ, độc giả của chúng tôi không ai giống ai, mỗi người đến với tác phẩm và thưởng thức nó một cách khác nhau, không theo khuôn mẫu nào hết. Có lẽ họ cũng có một cảm giác tương tự như vậy khi chạm mặt các nhà văn.

Thuận: Hội chợ sách là nơi tập trung nhiều độc giả. Có dịp để biết thêm ý kiến của người đọc về tác phẩm của mình, kể ra cũng thú vị và bổ ích, ít ra thì cũng để biết cách mà trêu lại độc giả.

Đám đông luôn cần có một thẩm mỹ đã được định hướng



Trở lại với câu chuyện về Hội chợ sách Paris mà các anh chị vừa tham gia, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện thế này: trước khi nhà văn Cao Hành Kiện nhận giải Nobel, buổi ra mắt sách và gặp gỡ nhà văn Cao Hành Kiện ở Pháp đã không có một ai đến dự. Tình hình khác hoàn toàn khi ông ta được giải Nobel. Điều ấy cho thấy một thực tế là công chúng vẫn đọc sách theo giải thưởng. Theo các nhà văn, có cách nào để cải thiện con đường đến với công chúng?  
 
Đoàn Cầm Thi: Không có cách nào cả! Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng cần phải cải thiện, vì nói cho cùng thì công việc của nhà văn vẫn là viết và công việc của độc giả vẫn là đọc. Cũng như Ngưu Lang Chức Nữ, tác giả và bạn đọc lâu lâu mới gặp nhau thì còn quyến luyến, chứ hàng ngày hàng giờ mà ăn ở bên nhau thì có lẽ lại phải ra tòa và nhờ đến luật sư. Còn việc công chúng đọc theo giải thưởng, thì khác gì việc công chúng đi xem hoa hậu? Ở đâu cũng vậy, đám đông luôn cần có một thẩm mỹ đã được định hướng!

Đỗ Khiêm: Giải thưởng có tác dụng giới thiệu nhất định của nó, nhưng chẳng phải là độc nhất, sách bán dạng chạy nhất ít khi nào có giải thưởng hay cần đến giải thưởng gì. Claude Simon trước Nobel bán 3000 bản thì sau Nobel bán 7000. Đến Patrick White thì trước sau vẫn vậy, đố bạn biết vị này là ai. Cũng chẳng sao hết, đến với người đọc không hẳn là đến với số đông, ờ thì càng đông càng vui chứ sao nữa, nhưng Minh Hoàng có 2000 cung nữ, ngồi buồn thì chỉ lại nhớ có mỗi Qúy Phi.

Thuận: Công việc của nhà văn là làm ra tác phẩm. Công việc của nhà xuất bản và hiệu sách là thương mại hóa tác phẩm. Người này làm nhầm công việc của người kia thì… loạn. Tuy nhiên, điều mà nhà văn có thể làm để đưa công chúng đến gần với tác phẩm của mình, là thay đổi thói quen đọc của độc giả, ví dụ giúp độc giả hiểu rằng ngày nay, khi con người biết tự phục vụ trong rất nhiều lĩnh vực, văn chương đương đại không còn là một mâm cỗ mà tác giả nấu sẵn rồi dâng lên tận miệng độc giả. Độc giả đương đại hoàn toàn đủ nhạy cảm và năng động để hiểu được những cái kết mở, những giả định, những câu hỏi, những chọc ghẹo, nháy mắt từ phía tác giả.

Xu hướng đọc sách ebook ngày càng phổ biến, và thậm chí có người còn lo ngại tương lai xa, sách in truyền thống không còn đất sống. Cách đọc mới ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm văn học. Khi độc giả chỉ chúi mũi vào màn hình để đọc sách, thì cũng sẽ có nguy cơ không còn việc họ đến hội chợ sách để xin chữ kí. Họ cũng không đến hội sách tìm mua sách , mà bằng lòng ở nhà nhấp chuột máy tính. Anh chị nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Việt Hà: Được tận mắt tham dự vào Hội chợ sách Paris 2013, tôi có thể khẳng định rằng tương lai sách in không những không bị đe dọa mà không bao giờ mất, dù rằng tại Pháp ebook khá phát triển. Chỉ cần nhìn số lượng sách in được trưng bày tại đây, nhìn các cặp mắt háo hức trước những quyển sách mới, nhìn đám đông độc giả đủ mọi thành phần nam nữ lão ấu, tôi nghĩ rằng sách giấy vẫn giữ nguyên độ hấp dẫn của nó.

Tương lai của sách Việt ở nước ngoài còn xa vời vợi

Có một thực trạng là các nhà văn thị trường luôn được giới xuất bản săn đón bởi khả năng sinh lời cao trong việc xuất bản tác phẩm của họ. Vì thế, trong cùng một sự kiện là hội chợ sách, sẽ có cảnh nơi thì tấp nập, chỗ thì đìu hiu. Là người viết, điều gì quan trọng nhất với các anh chị?   
 
Nguyễn Việt Hà: Ở Hội chợ này, tôi thấy chỗ nào cũng đông. Thậm chí, tôi thấy một điều hơi lạc quan là đám đông ở quầy sách Marc Lévy thì cuồn cuộn thật đấy nhưng chỉ lướt qua, còn trước những cuốn sách về các nhà văn có thể coi là khó đọc như Proust, Duras, Appolinaire, Boulgakov,... thì dường như người trẻ khá đông. Như vậy, độc giả Pháp có vẻ như đối xử với các tác giả quá ư khách quan.

Trong các hoạt động tại Hội chợ sách lần này, các nhà  văn Việt đã có một buổi trò chuyện về chủ đề “Việt Nam – một thế hệ văn chương mới”. Thưa anh Nguyễn Việt Hà, anh nhìn nhận như thế nào về thế hệ văn chương mới ở Việt Nam hiện nay?

Nguyễn Việt Hà: Chẳng có gì là cũ mới, nó là một dòng chảy tuần tự, đương nhiên mỗi giai đoạn có một cách biểu cảm khác nhau. Theo tôi không có một nền văn học hay một thế hệ nhà văn, vì viết văn là một công việc riêng tư của từng người, không có điểm chung nào cả. Sắp xếp các thế hệ, cũ hay mới, là công việc của các nhà phê bình văn học.

Bằng cái nhìn của người trong cuộc, anh nghĩ thế nào về tương lai của văn học Việt tại thị trường Pháp?

Nguyễn Việt Hà: Hội chợ sách Paris khiến tôi vô cùng hoang mang, bởi có quá nhiều nhà xuất bản, nhưng trong đó chỉ có vài nơi dịch sách Việt. Các dịch giả Việt ngữ cũng vắng như bóng nhạn cuối chân trời. Thế nên tương lai của sách Việt ở nước ngoài, chắc là còn xa vời vợi. Tuy vậy, tôi cũng hy vọng tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” do Đoàn Cầm Thi thành lập, được giới chuyên môn bên này quan tâm, sẽ là một điểm sáng để cho mình bớt tuyệt vọng. Nói rộng ra, chúng tôi mong nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ của độc giả Pháp và đặc biệt cộng đồng Việt Nam tại đây.

Phong Điệp (thực hiện)