Thành phố quá đông người. Vì chật, nên người ta phải nghiêng, phải lách để có thể vừa vặn cho tất cả. Cùng với ngập nước, những cơn kẹt xe bất kể giờ giấc đã dần như "đặc sản" của thành phố.

Vậy mà sáng nay đi làm, một mình một đường, những dãy phố dài đóng cửa như sắp khóc, chưa bao giờ tôi cảm thấy lòng mình buồn bã đến vậy. Khu trung tâm quận 1 như biển mùa đông, chỉ có tiếng gió vẫy trên những biển rao cho thuê và bán nhà. Thành phố đã đi vắng từ mùa dịch năm trước, khi khách du lịch không còn được tới. Giờ thì mọi thứ đang nghỉ thêm cho cuộc giãn cách.

Có điều gì, như là sự mất mát, và nỗi bất an giấu diếm bao ngày bỗng lại trỗi lên.

{keywords}
 Ảnh: Insta thrivesaigon

Thành phố đang vào đỉnh dịch bệnh, mà những người như tôi chỉ biết cố gắng làm tốt nhất chức phận của mình và kêu gọi mọi người phòng bệnh. Sự bất lực là có thật.

Những người bạn tôi, người đã cạo đầu vào trại tạm giam để điều trị cho phạm nhân, người đang căng mình trong bếp ăn lo mười ngàn suất cơm từ thiện mỗi ngày. Người tôi yêu ngày nào cũng trực tăng ca, với những hộp mì hộp cơm nguội lạnh giữa tâm dịch tạm bợ, vội vàng.

Cả thành phố đang gồng gánh, đang cùng kiên nhẫn vượt qua cơn "đại phẫu", để cơn bệnh có thể được kiểm soát và đẩy lùi.

Hôm đầu tuần, ông bí thư thành uỷ đã mời các chuyên gia hàng đầu về y tế và dịch tễ, tạm gọi là giới tinh hoa, để nghe cố vấn về chống dịch. Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu về thực tế của thành phố kinh tế hơn 10 triệu dân, và những khó khăn lúng túng của giới chức thành phố khi dịch bùng phát quá nhanh, kéo theo những hệ luỵ không nhỏ cả trước mắt và lâu dài.

Lắng nghe, thay đổi các phương án chống dịch và kiểm soát dịch nhanh chóng sát với thực tế hơn, đó là điều mà ông và các cộng sự đang muốn làm và làm quyết liệt hơn bao giờ hết. Dịch của 2021 đã không giống dịch của một năm về trước, và thực tế chống dịch luôn khốc liệt hơn, vượt khỏi những kịch bản diễn tập mà giới chức thành phố này đã lên kế hoạch trước đó.

Chắc chắn sẽ phải mất một thời gian không ngắn nữa, với sự hỗ trợ tối đa của lực lượng y tế cả nước, TP.HCM mới có thể chống dịch thành công. Và chúng ta sẽ buộc phải tiếp tục nhìn thấy những hình ảnh y bác sĩ kiệt sức bên những xe cấp cứu, các chiến sĩ công an trực xuyên đêm tại các điểm phong toả và cách ly... với hàng ngàn việc không tên khác nhau.

Những tin đồn "phong thành" sẽ vẫn còn và các cuộc mua sắm kiểu "panic buy" (mua sắm trong hoảng sợ) vẫn khiến người dân bất chấp dịch đang leo thang vẫn kiên nhẫn xếp hàng vài km để vào được siêu thị, nhằm tích trữ thực phẩm mùa giãn cách.

Khi chúng tôi phỏng vấn những người dân, họ hoang mang và thấy mình bơ vơ nhiều lắm. Tôi tin vào quyết sách của chính quyền và phương pháp của ngành y tế. Nhưng tôi cũng chia sẻ và cảm thông với những cơn lo thắt lòng của những người dân nghèo, họ đang kiệt quệ về gạo về tiền, và họ đang hoảng hốt lo sợ sẽ tới lúc họ kiệt quệ cả về sức khoẻ và hy vọng. Chúng ta nói với người dân hãy bình tĩnh và tin tưởng, nhưng niềm tin sẽ chỉ được nhân lên khi người dân nhìn thấy rõ hiệu quả của cuộc chiến này...

{keywords}
 Ảnh: Insta thrivesaigon

Ngày hôm nay, 15/7, nhiều công ty trong thành phố không thu xếp được chỗ ăn ở tại chỗ cho nhân viên sẽ buộc phải đóng cửa.

Nhà báo Đăng Bền chia sẻ quan điểm của anh trên facebook: "Với yêu cầu ba tại chỗ của UBND TP.HCM, hàng loạt các doanh nghiệp đã lựa chọn phương án đóng cửa. Với chủ doanh nghiệp, huỷ hợp đồng vì lý do thiên tai, dịch bệnh sẽ không bị phạt. Thậm chí, cho đóng cửa, doanh nghiệp cũng không phải lo trả các loại chi phí liên quan đến người lao động. Gánh nặng sẽ đổ lên phía bảo hiểm xã hội.

Tóm lại, đóng được cửa lúc này, với chủ doanh nghiệp đó là một sự giải thoát khỏi vô số gánh nặng. Chỉ có người lao động là chết đói. Ngân hàng chịu đủ nợ xấu, nợ quá hạn. Bảo hiểm xã hội thâm hụt, đã thủng giờ thì rách. Thuế thất thu. Hàng loạt chuỗi cung ứng đứt gãy, tạo ra đổ vỡ dây chuyền"...

Những lời thẳng thắn của anh Bền có thể không dễ nghe, nhưng nó là tương lai rất gần của thành phố, một tương lai mà chống xong dịch, thành phố này sẽ phải mất nhiều năm tháng mới mong khôi phục được nền kinh tế lại như cũ, chứ chưa dám nói vượt lên hơn.

Một quyết sách sai lầm trong chống dịch có thể phải trả cái giá đắt bằng sinh mệnh con người. Và đương nhiên sẽ kéo hỏng nhiều mảng của kinh tế thành phố, vốn được ví như nồi cơm của cả nước.

Vì thế, người dân cần được tiêm thêm cả những liều vaccine chống lại nỗi hoang mang đã ngự trị và đang lớn dần.

Và người dân, có lẽ vẫn cứ nên làm người dân nghiêm túc đã, phòng dịch và tin vào công cuộc chống dịch của thành phố, ngừng chia sẻ tin giả và không tự cóp nhặt thông tin rồi đột nhiên trở thành chuyên gia dịch tễ online...

------------------------

{keywords}
 Ảnh: Insta thrivesaigon

Thành phố không ngủ
Phố bên sông mắt đèn như pháo hoa
Quán ven đường
Chân dài thiếu gia lẫn như xôi đỗ cùng giang hồ, công chức
Cút lộn xào me lẫn cùng xoài xanh khô mực
Nhạc lẫn bia cụng vào tiếng rao khê nồng của những gánh hàng rong...

Những chiếc xe lao trong đêm giấu trong khoang bụng vạn hy vọng no đủ
Mặc kệ ông vé số vỗ guitar hát Trịnh khúc Da vàng
Lửa thuốc đỏ môi bà thầy bói bắt số đoán vận kim tiền
Nhưng bà thầy bói không đoán ra khi nào thành phố đi ngủ…

Ta trộn lẫn thanh xuân vào giữa Sài Gòn tươi trẻ
Nhà cao lẫn vào vỉa hè, ta tự ghi đời ta lên những trang giấy thông hành
Thành phố không ngủ
Để nghe ta khóc chuyện mình, ta mệt chuyện người, ta mỉm cười hay giận dữ
Mười triệu cuộc đời đi trong phố bao dung…

Bà thầy bói không tiên tri lúc thành phố lặng im
Bà thầy bói không tiên tri đêm nay đại lộ Đông Tây chỉ còn tiếng xe cấp cứu
Rồi sẽ vượt qua thôi, mười triệu người chung chịu
Sài Gòn không so đo
vết thương nào sẽ hằn sẹo lớn hơn…

Rồi pháo hoa sẽ đốt lại bên sông
Ta thôi phải gửi nụ hôn qua Messenger giữa hai đầu mất ngủ
Phố sẽ lại chật hơn, đường sẽ lại kẹt xe, và bộn bề rất cũ
Ta sẽ hôn nhau trên nóc nhà thành phố
Sài Gòn có hai người thức đến sáng và mơ…

Nhà văn Dương Bình Nguyên

Mời độc giả gửi bài viết về Email: bandoisong@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Trân trọng cảm ơn!

 

'Đánh bại Covid-19, TP.HCM chỉ có thể dùng sức mạnh cộng đồng'

'Đánh bại Covid-19, TP.HCM chỉ có thể dùng sức mạnh cộng đồng'

Mấy ngày qua, quanh tôi có quá nhiều câu chuyện đẹp, quá nhiều nụ cười bênh cạnh những lời thở than. Dịch bệnh đe dọa cộng đồng và để đánh bại nó chỉ có thể dùng chính sức mạnh cộng đồng.