Những ngày qua, bộ phim Công tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng là tâm điểm chú ý cho bao người yêu thích điện ảnh, đặc biệt là người dân miền Tây Nam Bộ bởi phim dựa trên nhân vật nổi tiếng một thời và đã được kết tinh thành văn hóa cho lối sống hào sảng đặc trưng của người dân Bạc Liêu nói riêng và người Nam Bộ nói chung.  

Nốt trầm buồn của nhà văn đã thai nghén ra tác phẩm 

Chú tôi - nhà văn Phan Trung Nghĩa đã từng hân hoan khi đoàn phim liên hệ muốn dựng lên bộ phim về nhân vật Công tử Bạc Liêu từ cuốn sách Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại mà bản thân ông đã dày công chắt lọc những kết tinh trở thành nét văn hóa đặc trưng, thương hiệu của người Bạc Liêu.

Ông từng nhấn mạnh với đạo diễn mong muốn bộ phim được làm theo hướng “chính sử” để bảo tồn nét văn hóa Công tử Bạc Liêu, không thể để hình ảnh nhân vật Công tử Bạc Liêu từ tác phẩm tham vấn của mình bị biến tấu méo mó, sai lệch đi theo chiều hướng tiêu cực.

Untitled 2.jpg
Cảnh trong phim "Công tử Bạc Liêu". Ảnh: CGV 

Khi Công tử Bạc Liêu ra mắt, dõi mắt theo từng nhân vật, từng thước phim đến lúc kết thúc, nhà văn Phan Trung Nghĩa bỗng thấy lòng trầm buồn bởi bộ phim với tựa đề Công tử Bạc Liêu nhưng lại xây dựng nhân vật mang những cái tên hư cấu, hời hợt về chiều sâu giá trị tác phẩm thông qua những thước phim.

Điều khiến nhà văn thắc mắc chính là tại sao bộ phim được công khai từ chính nhân vật Công tử Bạc Liêu trên nền tảng tư liệu mà ông đã dày công nghiên cứu, biên soạn nay lại được gọi là bộ phim hư cấu thay đổi từng tên nhân vật trong khi vẫn quay bối cảnh tại nhà Công tử Bạc Liêu? Dựa trên giai thoại Công tử Bạc Liêu, tên phim vẫn là Công tử Bạc Liêu thế nên không thể nói tạo ra bộ phim chỉ là hư cấu được.

Thái độ thiếu nghiêm túc đối với tác phẩm được dựa vào để chuyển thể thành phim là ở chỗ ê-kíp hời hợt với văn hóa người Bạc Liêu. Điều đó đã dấy vào lòng nhà văn đã bỏ hết tâm huyết tạo ra cuốn sách được xem là kho tàng văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà một nỗi buồn day dứt. Ông từng gửi niềm tin bộ phim sẽ làm sống lại một nhân vật có sức ảnh hưởng để lại tư tưởng hào sảng, lối sống nhân hậu trở thành nét văn hóa đặc trưng và cả một cụm nhà văn hoá Công tử nổi danh cho Bạc Liêu.

Đừng nói dựa vào nhân vật đã kết tinh văn hóa chỉ để giải trí 

Công tử Bạc Liêu xuất hiện với nhân vật Ba Hơn (người xem hiểu là Công tử Trần Trinh Huy trong giai thoại) hay hội đồng Lịnh cũng dựa từ nhân vật hội đồng Trạch.

Nhà văn chia sẻ, phim đã lược bỏ phần nhân bản vốn làm nên cốt cách nổi bật của Công tử Bạc Liêu đó là người hào phóng, lịch lãm. Vốn trải qua nhiều biến động thăng trầm lịch sử, một phần được tiếp xúc với văn hóa phương Tây lại tạo nên vị công tử có cốt cách với chiều sâu nội tâm chứ không chỉ nhảy nhót, chơi bời lố nhố như nhân vật mà phim đã khắc họa.

Điều đặc biệt, tuy nổi tiếng ăn chơi tiêu tiền nhưng Công tử Bạc Liêu sáng lên với tấm lòng nhân hậu và có nhiều công lao đối với thời cuộc bấy giờ.

Theo nhà văn, từ việc ban phát lúa gạo cho dân nghèo, đến việc giảm tô giảm tức cho nông dân, bằng việc mua thuốc men, vải vóc và ủng hộ mặt trận Việt Minh, vốn là người nổi tiếng đào hoa phong lưu nhưng vẫn rất trách nhiệm khi hay tin mình có những đứa con mà bản thân không thể hay biết, Công tử Bạc Liêu vẫn cho ruộng đất, tiền bạc, hỗ trợ nuôi dạy nên người. Tất cả những phẩm chất đẹp đẽ, nổi bật ấy đều không có ở phim.

Không chỉ riêng nhà văn, tôi cũng là một người con trên mảnh đất Bạc Liêu, từng được đọc những giai thoại về vị Công tử xứ mình qua từng trang sách mà chú tôi đã dày công khảo sát để tạo thành nét đặc trưng văn hóa. Lấy làm tiếc cho nhân vật trên phim gắn mác Công tử Bạc Liêu chỉ nổi lên với hình ảnh ăn chơi, nhí nhố đã gây ra hiệu ứng cho không ít người xem ấn tượng với lối sống xấu xí, huênh hoang.

Thiết nghĩ, khi xem bộ phim chỉ đề cập phiến diện một phần theo lối hài hước, giải trí từ một nhân vật đã trở thành nét văn hóa đặc trưng thì lớp trẻ tại địa phương hay thế hệ trẻ muốn tìm hiểu nét văn hóa về mảnh đất con người Bạc Liêu sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong tư tưởng? Điều ấy đáng để ta suy ngẫm!