Không đơn thuần là hình nhân nữ mặc váy, rằm tháng 7 năm nay, người mua yêu cầu “chân dài” phải ăn mặc sexy, trang điểm đẹp, tóc uốn xoăn để… cúng cô hồn.

Đặt áo phu thê, phiếu spa cho người âm

Vẫn còn gần 2 tuần nữa mới tới ngày rằm tháng 7 – ngày xá tội vong nhân. Dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn hay cúng chúng sinh.

Đây cũng là ngày được giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu lan - ngày báo hiếu cha mẹ. Tại phố Hàng Mã (Hà Nội) những ngày này, xe cộ đã nườm nượp, mọi người đua nhau sắm đồ lễ cúng trước ngày rằm.

Đặc biệt, mặt hàng “đồ lễ phu thê” cho người âm năm nay đắt khách hơn cả. Ông Vũ Hoàng (cư ngụ tại đường Kim Mã, HN) không quản ngại đường xa, nắng nóng, giữa giấc trưa đi xe đạp tới Hàng Mã đặt hàng.

Ông Hoàng chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, nhà tôi muốn mua được váy, áo vest nữ hay quần áo phu thê cho cháu gái mới qua đời thì cũng phải đặt trước vài ngày mới kịp nhận”.

Mặc dù mức giá của những bộ quần áo này rất đắt, từ 500.000 – 1.000.000 đồng, ít cửa hàng lấy cất về bày bán sẵn, nhưng theo chia sẻ của các hộ kinh doanh, đơn đặt hàng cũng nhiều không kể hết.

{keywords}

Những bộ quần áo phu thê này có giá khá đắt từ 500.000 – 1.000.000 đồng.

“Không dừng lại ở quần áo phu thê, các mặt hàng như quần mốt, trang phụ model, giày dép, gương lược, mĩ phẩm… cũng rất được ưa chuộng.

Nhiều gia đình tâm lý còn đặt cả phiếu spa để cho con gái “rượu” của họ dưới âm thế có thể làm đẹp... Vì vậy, sản phẩm này cũng được đẩy lên giá cao những ngày gần đây” - chị Nguyễn Hải, chủ cửa hàng trên phố Hàng Bài (Hà Nội) cho biết.

Cũng theo chị Hải, không ít người còn đặt cả “chân dài” để tặng người âm.

Nếu như những năm trước, chỉ có hình nhân nữ đơn thuần mặc váy được người dân chấp nhận thì năm nay, rất nhiều người mua yêu cầu “chân dài” phải ăn mặc sexy, trang điểm đẹp, tóc nhuộm và uốn xoăn thành từng nếp theo gợn sóng.

“Ngoài lễ mặn và hoa quả, tôi còn chuẩn bị các loại vàng mã để hóa, trong đó không thể thiếu “chân dài” với mong muốn, “người âm” sẽ nhận được no đủ mọi thứ từ gia đình gửi xuống, để cuộc sống dưới đó thật sung túc và ấm cúng” – một khách hàng bộc bạch.

Nhà lầu, xe hơi, iPhone, iPad “cháy hàng”

Theo chia sẻ của nhiều chủ cửa hàng trên Hàng Mã, năm nay, lượng người mua ít hơn năm ngoái, vì các cửa hàng mọc lên ngày càng nhiều, cộng thêm tình trạng kinh tế suy thoái, các gia đình chi tiêu hạn hẹp hơn.

Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV, xu hướng mua sắm đồ vàng mã của người dân Việt cúng ngày rằm tháng 7 vẫn không thua kém gì mọi năm.

Gia đình nào khá giả thì mua đồ xịn, hàng hiệu, chất lượng cao để cúng bái, gia đình nào khó khăn hơn thì mua những đồ bình dân, giá cả vừa phải. Chuyện bỏ ra vài chục triệu đồng để sắm vàng mã không phải là chuyện hiếm!

{keywords}

Có người sẵn sàng chi tới 30 triệu đồng để sắm đồ vàng mã, trong đó, các mặt hàng nhà lầu, xe hơi, iPhone, iPad luôn được ưa chuộng.

Liên tục chỉ tay vào các mặt hàng đang bày la liệt trước mắt để chủ cửa hàng sắp đồ lễ, bà Nguyễn Thu Hà (ở phố Hàng Đường, HN) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, gần đến ngày rằm, tôi sợ cháy hàng nên thường sắm sửa trước 2 tuần cho các cụ để tươm tất.

Nào là xe đạp, xe máy, nhà cửa, quần áo mới, nồi niêu, xoong chảo… Mình cứ suy từ bản thân cần gì thì người âm cũng cần đầy đủ như vậy, để các cụ còn phù hộ cho làm ăn thuận lợi chứ!”.

Theo khảo sát của chúng tôi, những mặt hàng năm nay được mọi người ưa chuộng nhất là các mặt hàng mới ra theo xu hướng thời đại mới, để bắt kịp với người dương thế.

Đơn cử như: Ti vi sony với giá 100.000 đồng, iPphone, iPad 60.000 đồng có kèm thẻ 1.000.000 đồng, bộ sạc có giá 150.000 đồng.

Siêu xe có phân khối lớn như SH, Spacy có giá 180.000 đồng/cái, nhà lầu, biệt thự trọn bộ có giá từ 250.000 – 350.000 đồng.

Tương tự, một số đồ bình dân như đồng bộ cả quần lẫn áo, giày dép, mũ nón… có giá “mềm hơn” từ 35.000 – 60.000 đồng/ bộ. Loại vải đẹp hơn có giá 80.000 - 130.000 đồng/bộ.

{keywords}

Do tín ngưỡng và phong tục nên rất khó để có thể cấm được người dân bỏ ra số tiền lớn để mua đồ đốt cho người âm trong ngày lễ xá tội vong nhân.

Cụ Phạm Thị Ngân (phố Lương Văn Can, Hà Nội) vừa thoăn thoắt nhặt đồ cho khách vừa tươi cười cho biết, hàng hóa mấy ngày này bán rất chạy. Tới rằm là cháy hàng, chỉ còn tiền vàng, chứ các đồ dùng thì hầu như không còn nữa!

"Có gia đình đặt mua trọn bộ từ giày dép quần áo đến các đồ dùng như điện thoại, tivi, tủ lạnh, máy giặt, ô tô, xe máy, nhà lầu… lên tới cả 30 triệu đồng” - cụ Ngân nói.

Có thể thấy, việc người dùng tiêu tốn hàng chục triệu đồng để đốt đi trong một ngày là lãng phí. Nhà báo Hoàng Anh Sướng đã từng nói: “Đốt vàng mã bị coi là hành động mê tín khi ta lãng phí tiền của vào đây.

Có rất nhiều người đã vung tiền triệu, thậm chí là trăm triệu vào những đồ hàng mã này. Họ làm vậy để mong người âm phù hộ cho họ có tiền tài, địa vị.

Nhưng nếu những dịp cúng giỗ, chúng ta chỉ mua một bộ quần áo mã hay đặt lên đó một ít tiền vàng và thành tâm tưởng nhớ đến tổ tiên thì đó lại là một nét đẹp trong tâm hồn mỗi người Việt.

Đó cũng là một cách dạy con trẻ về những giá trị tinh thần truyền thống của mỗi gia đình”.

Theo con số thống kê được công bố năm 2012, mỗi năm, thành phố Hà Nội đã tiêu tốn khoảng 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã.

Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã ra rất nhiều văn bản hướng dẫn về việc quản lý đốt vàng mã.

Năm 2010, Bộ này đã ra hẳn một văn bản cấm đốt vàng mã nơi công cộng, bởi điều này vừa gây hại môi trường, vừa gây hại cho tài sản của chính người dân.

(Theo Trí Thức Trẻ)