Samsung có thể đang là hãng smartphone lớn nhất thế giới, tuy nhiên, với việc lợi nhuận liên tiếp giảm, để mất thị trường về tay các công ty smartphone Trung Quốc, sức mạnh của hãng công nghệ Hàn Quốc đang bị đặt dấu hỏi lớn. Những nỗ lực nhằm duy trì vị thế của Samsung có thể thất bại nếu hãng không thể vượt qua nền văn hóa kỹ thuật có tính "trội" từ trước tới nay. Đây là nhận định của các cựu lãnh đạo cũng như lãnh đạo hiện hành của Samsung tiết lộ với trang Reuters.

Theo các lãnh đạo của Samsung, văn hóa này đã cản trở nhiều nỗ lực gần đây nhằm phát triển các nền tảng phần mềm và dịch vụ để hỗ trợ cho mảng kinh doanh smartphone. Trong năm ngoái, nhiều dịch vụ như vậy đã phải đóng cửa. Đặc biệt, ít nhất một dịch vụ đã bị Samsung khai tử sau khi ra mắt vẻn vẹn được một năm.

"Nhiều lãnh đạo cấp cao của Samsung vốn có khả năng triển khai phần mềm và dịch vụ nhưng sau đó đã mất niềm tin vào khả năng đó. Samsung vẫn mới chỉ biết cách bán ra 'những chiếc hộp'" - một người hiểu biết về các hoạt động bên trong nội bộ Samsung tiết lộ.

Hiện tại, doanh số bán smartphone đang chững lại do thị trường đã ở mức bão hòa. Chính vì vậy, việc Samsung thiếu đi các phần mềm, nội dung, và dịch vụ "độc quyền" sẽ khiến hãng khó tạo nên sự khác biệt so với các công ty điện thoại Android khác. Các công ty smartphone đến từ Trung Quốc thường bán sản phẩm có cấu hình tương đương nhưng giá rẻ hơn so với Samsung càng khiến công ty Hàn Quốc gặp nguy. Samsung cũng có những nỗ lực của riêng mình, như ra mắt dịch vụ thanh toán di động Samsung Pay và nền tảng SmartThings để bắt kịp xu thế "internet of things", tuy nhiên, có vẻ như những nỗ lực này là chưa đủ.

Các cuộc phỏng vấn với cựu cũng như nhân viên hiện tại tại của Samsung cho thấy giữa các bộ phận của hãng đang có sự trồng chéo. Một kỹ sư phát triển phần mềm cho Samsung chia sẻ, dù đội của anh đang phát triển một phần mềm không cần dùng tay điều khiển cho Galaxy S4, thế nhưng, dự án này lại gặp phải sự cạnh tranh ngay với một bộ phận khác của Samsung.

Trong nội bộ công ty hình thành hai "phe phái" trong đó một bên muốn ưu tiên phát triển phần cứng và một bên thích xây dựng các nền tảng, mang lại các giá trị dài hạn cho Samsung. Đáng tiếc rằng tiếng nói của phe thứ nhất đang có phần vượt trội hơn. Một cựu quản lý của Samsung xin được giấu tên, tiết lộ rằng ở trên chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc công ty ưu tiên rất thấp cho việc phát triển phần mềm, coi phần mềm chỉ là một công cụ marketing đơn thuần.  

"Quản lý cấp trên của Samsung không hiểu phần mềm. Họ chỉ sành phần cứng, sành hơn bất kỳ ai khác, nhưng phần mềm lại là chuyện khác" - cựu nhân viên Samsung tiết lộ.  

Theo nhận định của giới phân tích, kết quả của việc thiếu chuyên môn phần mềm nói trên đó là các sáng kiến liên quan tới phần mềm hoặc dịch vụ thường thất bại hoặc theo thời gian bị trôi vào quên lãng. Một ví dụ là dịch vụ nhắn tin ChatON. Dù được cài sẵn trên các điện thoại Galaxy, dịch vụ này chỉ có một lượng nhỏ người dùng và âm thầm đóng cửa hồi tháng 3/2015. Dịch vụ Milk Video mà Samsung phải bỏ ra nhiều tiền để thuê quản lý nhưng cuối cùng cũng chỉ kéo dài được một năm trước khi bị khai tử hồi tháng 11/2015.

Lợi nhuận thu hẹp

Việc Samsung thất bại trong phát triển phần mềm không phải là trường hợp cá biệt. Các hãng như HTC, Nokia, hay BlackBerry cũng rơi vào tình trạng tương tự khi cố gắng phát triển các nền tảng, dịch vụ của riêng mình. Dẫu vậy, Samsung vẫn là tên tuổi đáng được vinh danh, khi nhanh chóng trở thành công ty smartphone số một thế giới - dù gia nhập thị trường muộn hơn so với các đối thủ. Theo phân tích của hãng nghiên cứu TrendForce, trong 2015 công ty Hàn Quốc xuất xưởng nhiều hơn khoảng 100 triệu thiết bị so với đối thủ đứng thứ hai là Apple.

Tuy nhiên, các cựu lãnh đạo cũng như lãnh đạo hiện hành nói rằng Samsung đã thất bại trong việc tạo nên sự cách tân bên trong công ty, đồng thời để mất thị trường vào tay các công ty Trung Quốc như Huawei.

Theo thống kê, lợi nhuận từ mảng mobile chỉ còn góp 39% vào lợi nhuận hoạt động của Samsung trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2015. Đây là mức đóng góp thấp nhất kể từ năm 2010, giảm mạnh so với con số 68% trong năm 2013. Thị phần của Samsung được dự đoán sẽ giảm xuống dưới 20% trong năm nay so với 24,6% cách đây 2 năm - theo hãng nghiên cứu Trefis.

Sự suy giảm này là nguyên nhân chủ tịch lâu năm ở mảng mobile J.K. Shin mới đây đã phải rời bỏchức vụ và nhường lại vai trò của mình cho Dongjin Koh - một người cũng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực di động.

Samsung giao phó cho Koh phát triển dịch vụ thanh toán di động Samsung Pay và nền tảng bảo mật Knox - hai dịch vụ mà hãng nói rằng sẽ giúp thay đổi tình hình. "Samsung đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở mảng dịch vụ và phần mềm và đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Có thể kể ra các sản phẩm như dịch vụ thanh toán di động Samsung Pay, nền tảng IoT SmartThings, giải pháp bảo mật di động Knox, và hệ điều hành Tizen chạy trên TV và thiết bị đeo" - công ty Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo phát đi. Samsung Pay hiện đang được triển khai tại Hàn Quốc và Mỹ, trong khi đó Tizen được Samsung đẩy mạnh phát triển thông qua một số smartphone giá rẻ trong 2015. Samsung cho biết Trung tâm sáng tạo toàn cầu tại thung lũng Silicon của hãng hiện đang tìm cách khai thác các công nghệ liên quan tới phần mềm. 

Một số nhà đầu tư và chuyên gia nói rằng, những lo lắng cho việc Samsung tuột dốc đã bị phóng đại, đồng thời chỉ ra rằng công ty Hàn Quốc còn giữ vị trí thống trị ở mảng màn hình và chip nhớ. Việc Samsung đầu tư vào phát triển linh kiện ô tô cũng rất hứa hẹn - giới phân tích nhận định.

Dẫu vậy, những nỗ lực này nhiều khả năng không phải là chìa khóa để giúp Samsung lấy lại sức tăng trưởng lợi nhuận bùng nổ mà họ từng có. Theo Chang Sea-jin, một chuyên gia kinh tế tại Viện Khoa học và công nghệ cấp cao Hàn Quốc, cách để Samsung giành lại ánh hào quang xưa đó là thúc đẩy phát triển phần mềm và dịch vụ. "Có những dấu hiệu cho thấy Samsung đang cố gắng thay đổi, và công ty cũng đang thừa nhận các thất bại của mình. Họ đang đi đúng hướng, tuy nhiên, có một xác suất cao là họ đã chậm chân so với đối thủ" - Chang Sea-jin nhận định.