- Từ khi bắt đầu bước vào “sàn đấu” này, cũng có nghĩa các em sẽ phải tuân theo những quy tắc “già” trước tuổi. Trông chờ một môi trường “chân không” để các em giữ nguyên sự hồn nhiên, trong trẻo quả là khó tưởng.

GHV nhí không phải… lớp 1

Cuối cùng, cuộc chơi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí – GHV nhí) mùa đầu tiên đã khép lại với chiến thắng của cậu bé xứ Thanh đam mê ca hát. Thi xong tất cả… lại về, như lời trong bài nhạc “chế” nào đó trong một Gala Gặp gỡ cuối năm.

Nhưng tất nhiên, không dễ để yên ắng mà về. Những ồn ào thực sự, vốn đã có mầm mống trong suốt cuộc thi, giờ mới là lúc bùng phát.

{keywords}

Giám đốc âm nhạc Phương Uyên cùng Quang Anh và hai huấn luyện viên.

Nào là nghi án dàn xếp kịch bản, giải thưởng, công văn “gợi ý” bình chọn, nào nghi án “dìm hàng”… Ầm ĩ nhất là những tranh cãi xung quanh việc bé nào xứng thành quán quân hơn, với những lời lẽ đôi khi đi quá giới hạn, trở nên thiếu văn hóa và dễ gây tổn thương cho trẻ nhỏ.

Báo chí một mặt hết sức khẩn trương đưa những cuộc chiến bàn phím trên các diễn đàn, mạng xã hội lên truyền thông chính thống. Một mặt, cũng tích cực không kém trong việc đưa các bài bình luận kêu gọi người lớn ngừng “xấu xí”, đừng gây áp lực cho bọn trẻ và để các em sống đúng tuổi của mình một cách hồn nhiên, trong sáng.

Được sống, chơi và học đúng tuổi không phải là điều nên có mà là quyền của trẻ em. Cả xã hội, đặc biệt là ngành GD, đang phải vào cuộc để bù đắp việc trong thời gian dài đã lơ là quyền này, khi để gánh nặng “cõng chữ” đè nặng lên tuổi thơ của các em. Quy định khuyến khích các trường không chấm điểm học sinh lớp 1 được Bộ GD&ĐT đưa vào thực hiện trong năm học này có lẽ cũng không nằm ngoài nỗ lực đó.

Tuy nhiên, không may là, GHV nhí không phải… lớp 1. “Điểm” đã chấm và thắng bại đã phân.

Chắc chắn rằng, chẳng vì cái quyền chính đáng của các em, càng chẳng vì những lời kêu gọi mà đám đông đang ồn ào bình phẩm sẽ im lặng. Họ sẽ chỉ dừng cuộc tranh cãi khi đã nói chán và/hoặc tìm được đối tượng mới để tiếp tục “chĩa mũi nhọn”.

Hơn bao giờ hết, cùng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, giờ là thời người ta cảm thấy mãnh liệt nhu cầu và quyền được thể hiện quan điểm.

Nếu không ai chấm điểm

Và đó chỉ là một trong rất nhiều “thực tế” mà những đứa trẻ phải “đối đầu” khi bước vào những cuộc chơi kiểu này. Về hình thức, đó là sân chơi cho trẻ em, nhưng thực chất, từ người kiến tạo cuộc chơi đến luật chơi đều… người lớn.

Vì thế, từ khi bắt đầu bước vào “sàn đấu” này, cũng có nghĩa các em sẽ phải tuân theo những quy tắc “già” trước tuổi. Trong điều kiện như vậy, trông chờ một môi trường “chân không” để các em giữ nguyên sự hồn nhiên, trong trẻo quả là khó tưởng.

Khi đã bước lên sân khấu, cuộc sống, sự riêng tư của các em dường như không còn thuộc về các em. Khi đó, các em sẽ đứng trước muôn vàn con mắt soi chiếu của khán giả, của dư luận. Áp lực được/ bị bình phẩm, so sánh, đánh giá và cả nghi ngờ, phán xét chắc chắn không tránh khỏi.

Một thực tế khác mà các em và bố mẹ phải đối mặt, như một blogger truyền thông xã hội đã chỉ ra, là “sân khấu lung linh chói lóa, hậu trường xập xệ tối tăm là... bình thường!”. Trên sân khấu hoành tráng, các em là những ngôi sao tỏa sáng. Còn hậu trường ra sao, thì câu chuyện đưa con đi thi nấu ăn trong toilet của một ông bố chắc cũng đủ để chúng ta hình dung phần nào.

Để vắt được tối đa lợi nhuận của cỗ máy truyền hình thực tế, tác giả của chúng sẽ phải bày ra vô số chiêu trò, làm sao để chương trình “ra vẻ” thực tế nhất, khơi gợi nhiều cảm xúc hỉ nộ ái ố nhất có thể từ người chơi và khán giả. Càng “câu” được nhiều nước mắt, tiếng cười, càng tạo ra nhiều ầm ĩ, “hỗn chiến” quan điểm, nhà sản xuất càng “rung đùi” thu lợi.

Luật chơi này cũng không loại trừ trẻ con. Và các em sẽ bị đẩy vảo vòng xoáy quay cuồng đó của thế giới người lớn.

Giống như các cuộc thi của người lớn, sân chơi này cũng rất khốc liệt chuyện thắng thua, nhất là với luật người thắng được tất cả. Nó là điều kiện bắt buộc để tạo nên kịch tính và sức hấp dẫn. Và trong trường hợp này, nếu áp dụng quy tắc “không chấm điểm”, cuộc chơi hoàn toàn… đổ bể.

Với nhiều em, có thể đây là lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác để mình được đi tiếp, người khác phải bị loại, mình thắng thì người khác phải bại.

Được tạo ra với mục tiêu giải trí là chính, song tác động của các chương trình truyền hình thực tế kiểu GHV nhí đối với người tham gia, đặc biệt là trẻ em, không đơn thuần mang tính “vui vẻ trẻ trung”.

Đối với kẻ bại, những đổ vỡ trong niềm tin (nhiều khi là cả ảo tưởng) vào khả năng, tài năng của mình là khó tránh khỏi. Mùi vị của thất bại ít khi ngọt ngào.

Nhưng ngay đối với cả những người tiến được sâu hoặc thắng trong cuộc thi, việc bỗng chốc trở thành ngôi sao,  danh tiếng đến quá nhanh rất dễ dẫn đến những cú sốc. Đến một nam ca sĩ nổi như cồn từ cuộc thi GHV cho người lớn, tức là đã đủ tuổi trưởng thành, còn gặp khủng hoảng, scandal triền miên, nói gì đến trẻ con.

Như nhạc sĩ Quốc Trung đã chỉ ra, “điều khắc nghiệt nhất của truyền hình thực tế là nó tạo cho nghệ sĩ trẻ một đỉnh cao hào quang một cách đột ngột. Nhưng sau đó, họ sẽ phải tự mình bước tiếp với cái đỉnh cao ấy, phải gìn giữ và phát huy nó, đó mới là điều khó khăn”.

Khi đã tham gia một guồng quay như vậy, việc loại bỏ các tác động tiêu cực của nó dường như là bất khả, dù bố mẹ các em có cố gắng “ba đầu sáu tay” đến đâu để che chở cho con cái. Trông chờ vào sự cẩn trọng trong ý thức bảo vệ quyền lợi của trẻ em từ các nhà sản xuất chương trình cũng lại là một câu chuyện đường dài.

Vì thế, điều quan trọng nhất các ông bố bà mẹ có thể làm vẫn là cân nhắc và lựa chọn trước khi quyết định có cho con tham gia các cuộc chơi. Như ông bố viết nhật ký đưa con gái đi thi nọ đã “nhắc nhở”: “Hy vọng những ông bố, bà mẹ đang có ý định cho con đi thi cuộc thi này cần cân nhắc và suy nghĩ kỹ và coi bài viết của tôi như một kênh để tham khảo”.

Lựa chọn của ông bố này sau GHV nhí là không cho con tham gia thi bất cứ cuộc thi hát nào nữa đến năm 18 tuổi. Còn hai vị huấn luyện viên của chương trình cũng tuyên bố sẽ không để con mình tham gia… GHV nhí.

Đó là những thông tin nền hữu ích để tham khảo. Còn quyền quyết định, dẫu sao, vẫn thuộc về các phụ huynh - như ông bố viết nhật ký GHV nhí đã kết luận. Trong thời buổi bội thực chương trình truyền hình thực tế như hiện nay, quyết định này càng trở nên khó khăn.

  • Hải Tâm