Gần đây thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm “kháng khuẩn” như thớt, máy lọc nước, máy quạt, tấm lót chén, thậm chí đến cả băng vệ sinh. Ngoài tác dụng thông thường, do có thêm tính năng “kháng khuẩn”, diệt các loại nấm mốc, thậm chí là vi-rút… nên sản phẩm khá thu hút người tiêu dùng. Vậy thực hư công dụng của các sản phẩm này ra sao?
Rầm rộ kháng khuẩn
Quảng cáo rầm rộ nhiều nhất là thớt. Người bán cho biết, do được làm từ chất liệu nhựa Polyethylene, bề mặt có tráng ion bạc (Ag) nên thớt này có khả năng “kháng khuẩn” rất cao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chỉ được làm bằng nhựa PP (Polypropylen) bình thường, bề mặt không hề được phủ chất liệu nào để “kháng khuẩn” cũng quảng cáo “ăn theo”. Hoặc một số sản phẩm khác phục vụ công việc nội trợ như tấm lót chén, bông rửa chén… cũng được gắn tính năng “kháng khuẩn” khiến người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận.
Các sản phẩm "đánh" vào nỗi lo ngại an toàn của người sử dụng |
Rầm rộ không kém là máy lọc nước kháng khuẩn. Các nhà sản xuất cho biết, với công nghệ thẩm thấu ngược (RO), sản phẩm giúp tăng cường khoáng chất và ô-xy hòa tan trong nước nên có công dụng kháng khuẩn. Điều đáng nói là nhiều website quảng cáo quá “lố”, khi ví sản phẩm còn có công dụng chống lão hóa, ngăn ngừa khô da, tăng cường sức khỏe, ngăn chặn vi khuẩn, vi sinh vật, a-míp ăn não người, loại bỏ những độc tố gây bệnh, các chất gây ung thư da, viêm da.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm gia dụng khác như đồ lót, bàn chải đánh răng, khăn mặt, drap trải giường, khăn ướt, băng vệ sinh… cũng được người bán gắn tính năng kháng khuẩn khi quảng cáo được làm từ công nghệ nano bạc.
Hầu hết những sản phẩm này đều có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Hình dạng cũng giống như các sản phẩm thông thường khác nhưng giá cao gấp 3-5 lần.
Công dụng tới đâu?
Theo các chuyên gia, không phải sản phẩm nào cũng có thể ứng dụng được công nghệ “kháng khuẩn”, đa số đều được quảng cáo “lố” để đánh vào tâm lý khách hàng và móc túi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết những chiếc khẩu trang thường với những khẩu trang được cho là có khả năng ... kháng khuẩn |
Cho dù được áp dụng công nghệ “kháng khuẩn” đi chăng nữa, việc sử dụng những sản phẩm này giống như con dao hai lưỡi. Bởi nếu là công nghệ “kháng khuẩn” kém chất lượng sẽ rất nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, chất có tác dụng “kháng khuẩn” trên sản phẩm có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình sử dụng.
Chẳng hạn, với thớt “kháng khuẩn”, bề mặt thớt có tráng một lớp ion bạc. Khi băm thái thức ăn, lớp bạc này nhanh chóng bong tróc, theo thức ăn vào cơ thể người. Theo nghiên cứu, bạc vô hại đối với sức khỏe, nhưng tấm thớt không còn lớp bạc thì chúng là “ổ vi khuẩn” giống các sản phẩm thớt khác.
Hay với máy quạt “kháng khuẩn”, nghe qua đã biết người bán quảng cáo “lố” tính năng vì nguyên lý hoạt động của quạt rất đơn giản: thổi không khí đằng trước và hút đằng sau, không có bộ phận nào lọc và giữ vi khuẩn. Nếu quạt có cấu tạo tỏa ra chất “kháng khuẩn” là ozone thì lại vô cùng nguy hiểm.
Theo các kết quả nghiên cứu đã công bố, phản ứng của cơ thể người đối với khí ozone là rất nhạy cảm. Chẳng hạn: khi làm việc trong môi trường có nồng độ khí ozone từ 10mg/m3 trở lên, nếu không có biện pháp bảo vệ, sẽ dẫn đến bệnh sưng phổi nước nhiễm độc tính; mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, mũi họng khô, khó thở. Ở mức độ nặng còn liên quan đến thần kinh như đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực và khả năng
miễn dịch.
Riêng với các sản phẩm gắn với công nghệ nano bạc, trước câu hỏi về chất lượng của chúng đến đâu, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM khẳng định, các sản phẩm như bàn chải đánh răng, bình sữa… bạc được pha trộn, bao phủ trong thành phần của vật liệu làm sản phẩm. Khi có sự tiếp xúc của nước với các hạt nano bạc, một lượng nhất định các ion bạc được giải phóng sẽ tạo ra hiệu quả kháng khuẩn, diệt nấm mốc ở một mức độ nhất định.
Nệm cao su được cho là kháng khuẩn vì có nano bạc |
Với các sản phẩm như đồ lót, khăn ướt, khăn mặt, drap trải giường… nano bạc có thể được tẩm qua bề mặt của sợi hoặc đưa vào trong sản phẩm. Với khăn ướt, bạc chỉ có khả năng sạch khuẩn; với đồ lót chúng chỉ có khả năng chống hôi, nấm mốc, giảm thiểu khả năng bám khuẩn và phát triển vi khuẩn trên bề mặt. Những sản phẩm này được chứng nhận là an toàn, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, lượng bạc được sử dụng rất nhỏ, chúng chỉ tạo ra hiệu quả nhất định và thời gian có tác dụng diệt khuẩn cũng rất hữu hạn. Sau khi giặt một số lần, sử dụng một thời gian sẽ hết tác dụng.
Với băng vệ sinh “kháng khuẩn”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM cảnh báo, các sản phẩm chứa kháng sinh, mang tính sát khuẩn, diệt khuẩn chỉ thích hợp sử dụng trong các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa.
Đồ dùng hằng ngày nên chọn những loại có tác dụng làm sạch nhẹ. Vùng kín có cơ chế bảo vệ tự nhiên bằng các vi khuẩn “thân thiện”, trong đó quan trọng nhất là lactobacillus. Nhiệm vụ của chúng là sản sinh ra a-xít lactic giúp cân bằng độ pH của âm đạo, giữ cho âm đạo luôn khỏe mạnh bằng cách tiết ra hydrogen peroxide (H2O2). Nếu sử dụng các sản phẩm có chứa chất kháng khuẩn, sát khuẩn sẽ tiêu diệt luôn những vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng độ pH từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ các sản phẩm trước khi mua, không nên tin hoàn toàn vào quảng cáo |
Do đó, người tiêu dùng cần phải thận trọng khi lựa chọn và sử dụng những sản phẩm nói trên. Đừng vì quá tin vào quảng cáo mà bỏ số tiền lớn để mua về sử dụng trong khi hiệu quả thực sự không đến đâu mà còn có nguy cơ gây hại sức khỏe.
Cách sử dụng và bảo quản thớt đúng
Nhiều người quan niệm chỉ cần rửa sạch thớt sau khi thái thức ăn sống là sẽ hết vi khuẩn. Tuy nhiên, cho dù rửa sạch thì lượng vi khuẩn vẫn còn trong các vết cắt trên bề mặt thớt. Khi sử dụng thớt để thái thức ăn chín thì vi khuẩn từ thớt sẽ bám sang thức ăn, nguy cơ bị nhiễm các bệnh đường ruột rất cao.
Theo các chuyên gia, mỗi gian bếp nên trang bị ba chiếc thớt: một cho thực phẩm tươi sống, một cho thực phẩm đã nấu chín và một dùng cho trái cây hoặc rau quả ăn liền. Nếu có con nhỏ thì nên trang bị một thớt riêng dành cho bé để đảm bảo vệ sinh vì đường ruột của bé rất nhạy cảm.
Thớt gỗ sau thời gian sử dụng cần quan sát xem có nấm mốc không, có các kẽ nứt ti ti không, nếu có thì nên thay thớt mới vì những kẽ nứt này sẽ là nơi giữ lại mảnh vụn thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Nếu bà nội trợ vẫn “trung thành” với một tấm thớt thì đòi hỏi phải vệ sinh thật kỹ sau khi sử dụng. Cần phải rửa sạch thức ăn dính trên mặt thớt bằng nước nóng, sau đó đổ một thìa clo đã trộn cùng với nước lên mặt thớt, rửa sạch bằng nước lã và đem phơi nắng thật khô.
Theo phunuonline