Mới đây, tại Lai Châu, đại diện khoảng 50 doanh nghiệp lữ hành từ khắp cả nước đã tham gia Tọa đàm “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu” – một sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2022 do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức.

Phát biểu khai mạc, ông Tống Thanh Hải  - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 nhấn mạnh: Tỉnh xác định năm 2022 là bước đà để du lịch Lai Châu phát triển trong bối cảnh bình thường mới, xây dựng các sản phẩm uy tín và thương hiệu du lịch trên bản đồ Du lịch Việt Nam.

Ông Hải tự hào với những tiềm năng sẵn có của du lịch Lai Châu nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế khiến du lịch tỉnh này "chưa phát triển tương xứng với tiềm năng", như: Hạ tầng giao thông đến các địa điểm du lịch chưa hoàn thiện; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản; hạn chế trong thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư dự án mang tầm cỡ quốc gia...

Đoàn famtrip tham quan các địa điểm đẹp của Lai Châu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, để du lịch Lai Châu có thể đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch địa phương kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng trong khu vực và cả nước; tạo sức hấp dẫn để các công ty lữ hành xây dựng tour du lịch trong nước và quốc tế; hướng tới mục tiêu trong tương lai không xa du lịch Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Hai ngày vừa qua, đoàn farmtrip gồm các doanh nghiệp lữ hành khắp cả nước đã đi tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, bản Sin Suối Hồ, bản Thẳm, bản Nậm Mạ...

Hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều đánh giá cao tiềm năng du lịch của Lai Châu, nhất là về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản sắc dân tộc đa dạng.

Bà Dương Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Du lịch Sovilaco cho biết, bà rất bất ngờ khi được tận mắt tham quan các điểm du lịch và chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên của Lai Châu. “Tôi rất lạc quan về sự phát triển du lịch của Lai Châu. Cảnh quan thiên nhiên và truyền thống văn hóa của Lai Châu rất ấn tượng, đặc sắc. Vào thời điểm Sa Pa đang dần bị đô thị hóa, công ty chúng tôi bắt đầu quan tâm tới các điểm đến của Lai Châu nằm lân cận Sa Pa như Ô Quy Hồ, Cầu kính Rồng Mây... Trong tương lai, chúng tôi có thể tiếp tục phát triển các tour về Tâm Đường, trải nghiệm làng nghề truyền thống như làm miến...”, bà Hương cho biết.

Ông Dương Đại Lâm, Phó Giám đốc - Đồng sáng lập công ty Indochina Pioneer cho rằng, Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển các tour du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa. Ông Lâm đặc biệt ấn tượng với bản du lịch Sin Suối Hồ. “Không chỉ có cảnh quan ấn tượng, tôi cảm nhận được sự đồng lòng, quyết tâm làm du lịch của bà con nơi đây”, ông Lâm chia sẻ.

Là một doanh nghiệp chuyên thị trường khách nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc, Canada và đang phát triển thêm thị trường khách Pháp, Tây Ban Nha..., ông Lâm khẳng định Lai Châu có những lợi thế thu hút du khách quốc tế đến chinh phục leo núi, trải nghiệm bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, du lịch Lai Châu hiện tại mới chỉ có thể đón các tour du lịch 3 sao do điều kiện cơ sở lưu trú còn kém, nền ẩm thực chưa thực sự ấn tượng và chất lượng. 

“Lai Châu đang là một “viên kim cương thô”. Để du lịch Lai Châu thực sự thu hút du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm đến chứ không chỉ là “điểm dừng chân” thì không thể thiếu các sản phẩm lưu trú cao cấp. Tôi nghĩ, các sản phẩm lưu trú cao cấp này phải gắn liền với thiên nhiên, được chọn lọc vô cùng kĩ càng. Tôi thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh nên ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những người “làm thật ăn thật” để có những sản phẩm tinh nhất, chất lượng nhất, thay vì “sản phẩm rác””, ông Lâm bày tỏ quan điểm.

Ông Vũ Ngọc Ân – Giám đốc Công ty Du lịch Cầu Vồng cũng đồng tình với ý kiến, Lai Châu có tiềm năng thu hút du khách quốc tế. Theo ông Ân, nhiều điểm của Lai Châu có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm được thị trường khách châu Âu ưa chuộng như đua thuyền, đua cano, trượt zipline, leo núi... Ông Ân đề xuất, tỉnh Lai Châu nên có đề án phát triển các cuộc thi leo núi quốc tế, truyền thông mạnh về hoạt động này để quảng bá tới đông đảo du khách.

Theo bà Dương Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Du lịch Sovilaco nhấn mạnh, tỉnh cũng nên lưu ý đến xây dựng các điểm nghỉ chân giữa các khu du lịch nằm cách xa nhau, hệ thống nhà vệ sinh...

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam cho biết, Lai Châu đang quan tâm phát triển đến du lịch cộng đồng, nhưng đây là bài toán khó cho du lịch Lai Châu.  Theo ông Phương, phát triển du lịch cộng đồng cần phải huy động được sự tham gia hưởng ứng của tất cả người dân trong một bản, một làng; mỗi người dân phải thực sự có nhiệt huyết, có "trái tim" làm du lịch. Do đó, nếu muốn phát triển theo hướng này, tỉnh Lai Châu cần hết sức cố gắng.

Nhiều đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất tỉnh Lai Châu nên phát triển giá trị văn hóa truyền thống bằng việc thành lập bảo tàng nông thôn, công viên văn hóa để quy tụ các dân tộc thiểu số; tranh thủ hưởng lợi từ du lịch Sapa để thu hút khách nhưng phải có hướng đi và đặc trưng riêng của tỉnh.

Th. Hân, H. Hải, Bích Thủy