- “Đọc báo thấy chỉ trong vòng tháng nay có tới 4 vụ mẹ con sản phụ tử vong, mình lo lắm. Vậy nên nhà xa, bốn giờ sáng mình đã phải khua chồng dậy đưa lên thành phố khám cho yên tâm”, đưa tay gạt mồ hôi, một thai phụ chia sẻ.
Những cái chết thương tâm
Chỉ trong thời gian ngắn, bốn sản phụ liên tiếp tử vong ở bệnh viện thuộc các tỉnh từ Bắc chí Nam gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ngãi và gần đây nhất là trường hợp mẹ con sản phụ tử vong tại Bệnh viện Hóc Môn (TP.HCM).
Sự việc đã gây bức xúc cho gia đình nạn nhân và sự hoang mang cho không ít gia đình.
Ngày 19/4, người nhà sản phụ Đào Thị Hạnh (31 tuổi) đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) để chờ sinh.
Quá trình thăm khám, bác sĩ cho biết kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng sức khỏe của chị Hạnh và thai nhi hoàn toàn bình thường.
Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc đã đình chỉ cả bác sĩ và nữ hộ sinh trong kíp trực sinh của thai phụ tử vong Trần Thị Loan (Ảnh: VietNamNet)
Tuy nhiên, một ngày sau, cháu bé đã tử vong ngay khi vừa được sinh ra rồi sản phụ Hạnh cháu bé cũng tử vong ngay sau đó vì mất quá nhiều máu.
Ngày 20/4, tại Bắc Ninh, thai phụ Trần Thị Loan có biểu hiện sắp sinh nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc để khám. Các bác sĩ chuẩn đoán chị Loan đang trong giai đoạn chuyển dạ, đề nghị nhập viện ngay.
Đêm đó, chị Loan đau đẻ nên được chuyển vào phòng hộ sinh, các bác sĩ cho biết sức khỏe của thai phụ bình thường. Thế nhưng, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 21/4, bác sĩ thông báo cho gia đình rằng chỉ cứu được người mẹ. Hơn một giờ sau, gia đình đột ngột nhận được tin cả hai mẹ con sản phụ đã tử vong.
Gần đây nhất, ngày 25/4, sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (30 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) đến Bệnh viện Hóc Môn khám thai. Tại đây, các bác sĩ yêu cầu sản phụ phải nhập viện để theo dõi.
Khoảng 13 giờ ngày 29/4, chị Thu được chuyển vào phòng dự sinh do có dấu hiệu trở dạ. Gia đình đề nghị cho sản phụ được mổ sinh nhưng các bác sĩ không đồng ý vì cho rằng chị có thể sinh thường, sinh thường sẽ tốt hơn cho sức khỏe của mẹ và bé. Thế nhưng sau đó mẹ con sản phụ Thu đã tử vong tại bệnh viện.
Trước tình trạng trên, nhiều phụ nữ mang thai cảm thấy vô cùng lo lắng. Dù kết quả thăm khám, theo dõi thai kỳ kết luận bà mẹ và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không ít gia đình vẫn mất ăn, mất ngủ chờ “đón Rồng”.
Lên thành phố cho chắc!
Gần 10 giờ trưa, hàng ghế chờ trước khu vực khám theo yêu cầu của Bệnh viện Từ Dũ vẫn đông, không còn một chỗ trống.
Phần lớn phụ nữ có mặt đều là những bà bầu đến đây để thăm khám, theo dõi thai kỳ. Hành lang chật chỉ vừa kê một hàng ghế chờ còn lại dành chỗ cho một lối đi nhỏ.
Chiếc quạt treo tường quay hết công suất không đủ để phục vụ cho các bà bầu gương mặt đang đỏ tía vác theo cái bụng nặng nề, nóng hầm hập.
Các thai phụ ngồi chờ khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ
(TP.HCM)
Mang thai tháng thứ 7, chị Nguyễn Thị Thảo (27 tuổi) thức dậy từ bốn giờ sáng lật đật vác bụng bầu lặn lội từ Long Thành (Đồng Nai) lên để khám thai nhưng đến gần trưa vẫn chưa đến lượt.
Vừa thở hổn hển, chị Thảo vừa cho biết: “Mình biết bệnh viện này đông lắm nên gần 4 giờ sáng đã đánh thức chồng dậy để đi rồi. Khoảng 7 giờ hai vợ chồng tới nơi, vì muốn khám sớm nên mình đăng ký khám dịch vụ, viết phiếu hẹn giờ rồi nhưng vẫn phải chờ lâu vì đông quá.
Ở quê mình toàn khám ở trạm y tế thôi nhưng mình thấy sức khỏe yếu nên lo lắm, nhất là gần đây đọc báo thấy nhiều người chết cả mẹ lẫn con khi sinh nên sợ. Con đầu nên cả nhà lo, bắt lên thành phố khám cho chắc.
Mình đã không ăn uống được mấy nghe thấy càng lo, nhiều lúc cứ nằm nghĩ quẩn đến ngủ cũng mơ, vừa sợ đau, vừa sợ không đủ sức…”.
Cùng tâm trạng với chị Thảo, chị Đào Thị Hoa (29 tuổi, Bình Phước) cho biết để đi khám thai vợ chồng chị đã phải xin nghỉ làm từ hôm, chồng chị bắt xe đò đưa chị lên ở nhờ nhà người quen ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) rồi sáng nay đi sớm.
Sáng 3/5, khoảng 6 giờ 30 phút vợ chồng chị có mặt tại bệnh viện nhưng sau khi xếp hàng, làm các thủ tục rồi bốc số khám đã lên tới số 71 nên vẫn phải chờ lâu, dù vậy chị Hoa rất vui vẻ. Chị lý giải đi khám xa, vất vả, tốn kém nhưng đổi lại yên tâm hơn.
“Đứa trước tử cung đã mở 8 phân nhưng mình không sinh thường được nên vẫn phải mổ. Người ta nói nếu có thuốc, có phương tiện đầy đủ thì bác sĩ có thể kích thích giúp sinh thường. Ở dưới đó cái gì cũng còn hạn chế, khi vừa lên bàn đẻ thì mình kiệt sức rồi nên phải đi mổ. Bữa đó, chỉ cần lâu chút nữa là con mình bị ngộp rồi”.
Khi được hỏi về thông tin xung quanh những vụ sản phụ tử vong, chị Hoa vội cướp lời: “Mấy vụ đó mình hay theo dõi lắm, xem để biết nhưng mà xong cũng lo. Lo nên vợ chồng mình quyết định lên đây khám, sau này gần sinh có lẽ lên ở nhà người quen để đi sinh cho yên tâm”.
Thai phụ này cho rằng, dù thế nào ở đây là “trung ương” nên phương tiện, dịch vụ tốt hơn, bác sĩ lại nhiệt tình chứ không nặng nhẹ như “dưới đó”.
Đó không chỉ là tâm trạng riêng của chị Hoa mà hầu hết các bà bầu có mặt đều có chung suy nghĩ này. Quả thực, có trò chuyện mới thấy rằng để chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời, các ông bố bà mẹ đã phải vò đầu tính toán.
Dù thế nào, yếu tố họ đặt lên hàng đầu vẫn là vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Và như vậy, khi các bà bầu lo lắng về sự an toàn, độ tin cậy rồi đổ xô lên bệnh viện tuyến trên, xem ra ngành y tế sẽ còn phải đối mặt với bài toán giảm tải tuyến trên, “ế ẩm” tuyến dưới (?).
M.Phượng