Trong vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ của hoạt động mua sắm online, các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa, sản phẩm được bày bán trên các trang thương mại điện tử lại chưa thể song hành với sự phát triển đó.
Thậm chí, nơi đây còn đang trở thành "địa bàn" của không ít gian thương chuyên kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các hoạt động lừa đảo cũng diễn ra ngày càng tinh vi hơn, khiến không ít người dùng sập bẫy.
Không chỉ bị lừa mua phải hàng giả, nhiều người dùng phản ánh rằng họ còn nhận được những món đồ "rác", hoàn toàn không liên quan đến mặt hàng mà họ đã đặt mua trước đó.
Trên sàn thương mại điện tử Lazada, một gian hàng có tên Wiki**** chuyên bày bán các thiết bị lưu trữ với giá siêu rẻ. Theo đó, những chiếc thẻ nhớ được gian hàng quảng cáo là đến từ thương hiệu Samsung, Huawei với dung lượng 512 GB hay thậm chí 1 TB nhưng lại có mức giá chỉ từ 52.000 đồng.
Có thể thấy, đây là một mức giá không tưởng bởi những chiếc thẻ nhớ có dung lượng tương đương đang được các hàng bán ra trên thị trường với mức giá khoảng 1,8-2 triệu đồng, tùy theo tốc độ đọc ghi. Tuy nhiên, vẫn không ít người dùng bị mắc bẫy vì chiêu trò lừa đảo tinh vi của gian hàng này.
Theo đó, khi đọc phần bình luận, có rất nhiều tài khoản (đã được xác nhận mua hàng) đưa ra những đánh giá tích cực và chấm điểm 5 sao cho sản phẩm. Chưa dừng lại ở đó, gian hàng này cũng có tỷ lệ đánh giá chất lượng tương đối cao với 85% người dùng đánh giá tích cực, 97% giao hàng đúng hạn và tỷ lệ phản hồi khách hàng đạt 100%. Nếu chỉ nhìn qua, nhiều người dùng có thể nghĩ rằng đây là một gian hàng uy tín, bán sản phẩm chất lượng với giá siêu rẻ.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ một số người có kinh nghiệm buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, chủ gian hàng này nhiều khả năng đã dùng chiêu trò để "bơm" bình luận và tương tác ảo. Việc này sẽ giúp gia tăng đánh giá tích cực cho gian hàng, từ đó có thể dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Ngay bên cạnh những bình luận tích cực, có rất nhiều người dùng đã đăng tải thông tin và hình ảnh để chứng minh rằng họ đã bị lừa. Thay vì nhận được chiếc thẻ nhớ dung lượng cao như đơn hàng đã đặt, người dùng lại nhận được đủ món đồ "trời ơi đất hỡi".
Trong đó, một số khách nhận được miếng vải, ốp đồng hồ hay thậm chí là vỏ gối. Một số khác "may mắn" hơn khi nhận được đúng sản phẩm đã đặt hàng thì lại không thể sử dụng chúng do đây là hàng giả.
"Những lượt tương tác, bình luận hay đánh giá đều có thể là giả. Chủ gian hàng hoàn toàn có thể mua được chúng từ một số đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ này. Nó giống như các dịch vụ tăng số lượt thích, lượt theo dõi trên Facebook hay Instagram. Chiêu trò này đang được rất nhiều gian hàng sử dụng để lấy lòng tin từ người dùng", anh Vũ Long, chủ gian hàng trên một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam chia sẻ.
Trước đó, Dân trí đã nhiều lần phản ánh về tính trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Người dùng cần phải hết sức tỉnh táo và tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết khi mua sắm online.
"Chúng tôi luôn thực hiện các chính sách và hoạt động định kỳ để rà soát và kiểm tra hàng hóa về mặt chứng từ và hàng hóa vật lý thực tế, từ đó kiểm chứng về mức độ uy tín của gian hàng, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Các chủ gian hàng kinh doanh phải ký cam kết về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, đồng thời đảm bảo sản phẩm có đầy đủ chứng từ, hóa đơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi có yêu cầu", đại diện truyền thông một sàn thương mại điện tử khác trao đổi với Dân trí.
(Theo Dân Trí)
iPhone, tai nghe giảm giá hơn 10 triệu đồng là trò lừa đảo ngày sale 11/11
Tại các sàn thương mại điện tử, trong đợt khuyến mại 11/11, mức giá sau khi đã giảm của nhiều mẫu điện thoại, tai nghe thậm chí còn cao hơn giá bán trung bình trên thị trường.