Bùi Quang Tuấn xuất hiện trên một chương trình TV của VTV3 năm 2014, nói về bộ sưu tập các sản phẩm Apple mà anh sở hữu, gồm khoảng 37 thiết bị tổng cộng. Tuy nhiên anh cho biết mình từng thế chấp bộ sưu tập này, rồi dùng cả tiền mừng cưới để đổ vào dự án MB360 – công ty phát triển các phần mềm bán hàng và thanh toán, cuối cùng vẫn lỗ mấy tỉ đồng. Từ Úc về Việt Nam khởi nghiệp, có khi khánh kiệt và suy sụp anh quay lại Úc nhưng vẫn chưa nguôi giấc mộng startup.

"Mọi người vẫn bảo là lên voi xuống chó, nhưng từ khi khởi nghiệp MB360, tôi không hề biết tới con voi... Chỉ là từ chó xuống tới mấy con gì nhỏ hơn nữa. Không biết khi nào mới được lên voi”, chàng trai sinh năm 88 bộc bạch.

Hiện nay anh phải làm hai công việc cùng lúc, một ở Úc và một đổ vào dự án khởi nghiệp. “Mỗi tuần tôi làm việc ít nhất 70 tiếng. Chắc chết sớm”, Tuấn nói vui.

MB360 do Tuấn sáng lập đang phát triển hai sản phẩm citipos.vn và citipay.vn. CitiPos là hệ thống quản lý bán hàng dành cho nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, mục tiêu là tập trung hoá việc quản lý số liệu bán hàng theo mô hình điện toán đám mây. Trong đó quan trọng nhất là 3 cụm chức năng: cho nhân viên gọi món trên điện thoại của họ, hiển thị các món khách gọi trong màn hình của người pha chế và trong bếp, cuối cùng là nghiệp vụ kế toán - cho phép kế toán thu thập dữ liệu bán hàng trực tuyến mà ko cần phải chạy đến từng quán để 'cắm USB chép file' như trước.

Citipay là hình thức thanh toán thực hiện trên điện thoại. Người dùng nạp tiền vào tài khoản, sau đó được cung cấp mã QR dùng để thanh toán tại các điểm chấp nhận. Hình thức này giúp người dùng hạn chế công khai thông tin thẻ, chủ quán dễ quản lý khách quen và tung các chương trình khuyến mại bán hàng dễ hơn.

Hiện nay hệ thống CitiPos đang được dùng thử nghiệm ở một vài quán cà phê tại Úc và Việt Nam. Sản phẩm sẽ được đẩy mạnh thương mại hóa từ đầu tháng 6/2017 cho ngành nhà hàng, cafe (F&B). Đầu tháng 7 sẽ ra mắt CitiPay và trong vòng tháng 8 sẽ tung CitiPos cho ngành bán lẻ.

Các sản phẩm này đang liên kết với một startup công nghệ tài chính khác là TrustPay để tạo nên hệ sinh thái khép kín trong lĩnh vực thanh toán.

Trước khi tạo được hình hài cho CitiPos và CitiPay, Bùi Quang Tuấn đã khá vất vả khi lựa chọn con đường khởi nghiệp.

Sau khi hoàn tất chương trình cử nhân ngành Business Marketing (Tiếp thị Kinh doanh) tại Úc, đầu năm 2013 Tuấn về Việt Nam với mong muốn xây dựng startup trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ý tưởng cho khởi nghiệp này kết hợp giữa mô hình chuyên nghiệp, quản lý chặt chẽ giao dịch người mua và bán giống như eBay nhưng đồng thời cũng mang tính đơn giản, dễ dùng và linh hoạt như việc đăng một bài rao vặt trên diễn đàn. Điểm nhấn của hệ thống sẽ tập trung ở tính năng đấu giá. 

Tuy nhiên, do không hiểu rõ bản chất thị trường và tạo ra sự kích cầu cần thiết để kết nối người mua và người bán nên sau gần một năm hoạt động Tuấn quyết định tạm ngưng việc phát triển website và chuyển hướng qua cung cấp dịch vụ giao nhận, nhằm cung cấp dịch vụ thiết thực hơn cho người bán hàng. Các đơn hàng đổ về nhiều nhưng không tăng trưởng quy mô được, đặc biệt là rất khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự nên không đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng.

Lúc đó, Tuấn rất suy sụp kèm theo tài chính cạn kiệt nên quyết định bán công ty và nghe theo gia đình quay lại Úc.

Khi đó, chủ một chuỗi nhà hàng tại Việt Nam quyết định mua lại MB360 và trở thành người đồng sáng lập. Bùi Quang Tuấn lúc đó xây dựng một hệ thống quản lý bán hàng cho các nhà hàng của người đồng sáng lập mới. Hệ thống đó chính là nền tảng cho CitiPos hiện nay.

Hệ thống nhà hàng tinh gọn được nhiều nhân sự và tăng tốc độ phục vụ đáng kể so với việc cho nhân viên ghi món ăn khách gọi ra giấy. Hệ thống đặc biệt hiệu quả mỗi khi quán đông, lượng khách tầm 200-300 khách.

Tuấn cho biết nghiệp vụ kế toán là 'chông ngai' nhất, do không am hiểu nhiều trong lĩnh vực này nên phải tốn rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Sau khi hiểu được quy trình là một chuyện, phải mô phỏng lại được quy trình này bằng việc xây dựng các nghiệp vụ cho ứng dụng, thiết kế giao diện và làm việc với các kỹ sư phát triển.

“Tôi cũng có nền tảng kiến thức về quản trị nên việc nắm bắt vấn đề không quá khó, tuy nhiên việc triển khai lại kiến thức này thông để các bạn bên lập trình hiểu và làm đúng là việc cực kì gian truân”, Tuấn chia sẻ.

Mặc dù trên thị trường hiện tại cũng đã có nhiều đơn vị cung cấp POS, nhưng mặt bằng chung về việc ứng dụng POS trong quản lý bán hàng ở các mô hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất ít, Tuấn đánh giá. Trong khi việc này đã được tiêu chuẩn hoá ở các nước phát triển đã từ khá lâu. Có thể một phần là do rào cản về công nghệ, một phần là về chi phí đầu tư. Do vậy, MB360 rất mong muốn được góp sức phổ cập hoá và bình dân hoá việc sử dụng hệ thống POS tới tất cả các mô hình kinh doanh.

Về chặng đường xa hơn, MB360 sẽ phát triển để nâng cấp hệ thống POS trở thành một hệ thống ERP hiện đại, toàn diện. Giải thích ERP một cách ngắn ngọn thì đây là hệ thống được tích hợp tất cả các công cụ cần thiết để quản trị và điều hành kinh doanh. Cụm từ ERP trước giờ chỉ là khái niệm với các doanh nghiệp lớn nhưng MB360 sẽ bình dân hoá hệ thống này và giúp các doanh nghiệp, mô hình kinh doanh nhỏ được hưởng lợi ích từ hệ thống ERP với một chi phí hấp dẫn”, Bùi Quang Tuấn khẳng định.