- Ông có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ mình, tại sao lại đổ hết lên đầu vợ? Cha mẹ ông vất vả như thế nào để nuôi ông, thì cha mẹ vợ cũng như vậy. Tại sao ông lại muốn ngăn cản vợ báo hiếu cha mẹ cô ấy?
Ông Thành Phong này có lẽ là một hủ Nho thời phong kiến còn sót lại. Bài viết của ông này là đại diện rất tốt cho những người đàn ông thời nay bị phụ nữ qua mặt nhưng không muốn thừa nhận. Xin nói một cách nhẹ nhàng trước để ông khỏi nhảy dựng lên mà lu loa, rằng tôi cũng là đàn ông, có vợ và con nhưng tôi hoàn toàn không hiểu nổi suy nghĩ của những người như ông và ông Phạm Kiên.
Ảnh minh họa. |
Ông nói: "Tôi chắc rằng trong số những người phản đối ý kiến đó chiếm đến
99% là phụ nữ", cứ cho là đúng đi (mà thật ra chỉ là sự hồ đồ võ đoán của ông
thôi), vậy thì 1% còn lại là ai? Đó là những người đàn ông tiến bộ, hiểu được sự
thiệt thòi của phụ nữ nên không muốn đứng trên vai họ để thể hiện cái tôi như
ông và ông Phạm Kiên. Kẻ mạnh là kẻ nâng người khác trên vai mình. Nếu ông thật
sự có tài, thật sự là trụ cột trong gia đình, tự khắc ông sẽ được người khác
kính trọng. Còn như ông bây giờ, nói thật, ông có gào khản cổ đòi làm ông chủ
thì ông cũng chỉ nhận được sự khinh bỉ từ những người phụ nữ có bản lĩnh mà
thôi.
Ông cho rằng: "Còn phụ nữ bây giờ, các chị leo lên đầu lên cổ chồng mình, đòi
ngang quyền, đòi bình đẳng". Tôi chỉ muốn nói đến sự bình đẳng về trách nhiệm,
nghĩa vụ. Ông có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ mình, tại sao lại đổ hết lên đầu
vợ? Cha mẹ ông vất vả như thế nào để nuôi ông lớn (tôi không chắc về sự khôn
lắm) như bây giờ, thì cha mẹ vợ ông cũng như vậy. Vậy tại sao ông lại muốn ngăn
cản vợ ông báo hiếu cha mẹ cô ấy. Nếu có người ngăn cản ông báo hiếu cha mẹ ông,
ông nghĩ sao? Ông có giải pháp nào cho những gia đình chỉ có con gái? Khi cha mẹ
họ già yếu thì ai sẽ chăm sóc? Những bậc sinh thành đó cũng khó nhọc nuôi con
gái họ khôn lớn cho ông có được vợ, lại không có quyền được chăm sóc như cha mẹ
của ông hay sao?
Ông cho rằng phụ nữ nên lấy làm mừng vì có được tấm chồng. Xin thưa, đó là
thời phong kiến, khi phụ nữ không được học hành do bị cả hệ thống xã hội trù
dập, nên phải lệ thuộc vào đàn ông để có cơm ăn. Còn thời nay không hiếm phụ nữ
học hành cao hơn đàn ông, kiếm tiền giỏi hơn đàn ông nên họ đâu còn phải lệ
thuộc vào đàn ông nữa. Phụ nữ cũng đóng góp vào kinh tế gia đình chồng, thậm chí
trong nhiều trường hợp còn nhiều hơn chi phí nuôi sống bản thân họ. Vậy thì ông
nói "ăn cây nào rào cây ấy" nên hiểu sao cho đúng?
Đàn ông có thể làm được nhiều việc phụ nữ không làm được, nhưng có mấy khi cần
đến? Lần cuối ông chạm tay vào việc "của đàn ông" là khi nào? Phụ nữ vẫn phải
làm hàng trăm việc không tên hàng ngày, mà nếu thiếu bàn tay của họ thì ngôi nhà
sẽ trở thành ổ chuột. Đôi khi tôi thấy đàn ông được xem là phái "mạnh", nhưng so
về khối lượng công việc và sức chịu đựng, phụ nữ mới đúng là "mạnh". Nếu ông tự
hào là đàn ông, hãy làm gì để phụ nữ bớt khổ, để họ được là đúng nghĩa phái
"yếu", chứ không phải nai lưng phục dịch trong khi chồng nằm ườn xem TV.
Tôi cũng có một đứa con gái nhỏ mà tôi thương vô cùng, cháu rất thông minh và vui vẻ, mà nếu có đổi 100 đứa con trai cũng còn lâu mới sánh bằng. Tôi hy vọng trong tương lai, những "hũ" Nho cuối cùng còn sót lại sẽ đi theo các "bậc thánh hiền" cho xong, để trẻ em gái và phụ nữ không còn bị phân biệt đối xử và khinh rẻ, khi trong thực tế cuộc sống bây giờ có hàng đống thằng đàn ông vô dụng.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với ông và những người như ông là, gieo nhân nào gặt
quả nấy. Nếu ông xem thường phụ nữ, xem thường vợ của mình, ông sẽ không bao giờ
hiểu được hạnh phúc của sự chia sẻ, thương yêu nhau giữa vợ chồng. Và hôn nhân
của ông sẽ là địa ngục do tư tưởng cổ hủ của ông gây ra. Tỉnh ngộ trước khi quá
muộn!
Thân,
Độc giả Nguyễn Bùi Thanh Thiên