Lãnh đạo TP Hà Nội vừa khẳng định, ngày 25/2, TP sẽ thông qua phương án cuối cùng để cứu cụ rùa hồ Gươm.


Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.

Cùng hiến kế cứu cụ rùa Hồ Gươm


Tại cuộc họp chiều 21/2 của UBND TP Hà Nội cùng các sở ban ngành liên quan và các nhà khoa học về phương án cứu rùa hồ Gươm, 2 phương án điều trị vết thương cụ rùa được đưa ra.

Theo đó, phương án 1: cụ rùa vẫn tiếp tục sinh sống dưới hồ, và công việc xử lý nước Hồ Gươm để nâng cao chất lượng môi trường sống của cụ bằng cách cấp thêm nước vào hồ sẽ được tiến hành. Phương án này cũng sử dụng chất khử trùng công nghệ mới nhằm xử lý các mầm bệnh trong nước Hồ Gươm.
Phương án 2: đưa cụ rùa lên bờ để tiến hành chữa trị vết thương. Cùng với đó, việc xử lý nước Hồ Gươm cũng được thực hiện (cấp thêm nước vào hồ, sử dụng chất khử trùng công nghệ mới nhằm xử lý các mầm bệnh trong nước hồ).

Theo Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao, sau buổi họp lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định TP sẽ thông qua phương án cuối cùng để cứu cụ rùa Hồ Gươm vào ngày 25/2 tới.

Cụ rùa nổi vào ngày 21/2 - Ảnh: Hoàng Long (Đại Đoàn Kết)
Do đó, từ nay đến ngày 25/2, các nhà khoa học và cơ quan chức năng tiếp tục họp bàn để đưa ra phương án hữu hiệu nhất.

TP yêu cầu quận Hoàn Kiếm trước mắt cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ quanh khu vực Hồ Gươm. Cùng với đó, nghiêm cấm việc câu cá, phóng sinh rùa tai đỏ, các chất phế thải xuống Hồ; xử lý các hành hành vi vi phạm gây ảnh hưởng môi trường, cảnh quan khu vực hồ; tuyên truyền cho nhân dân, nhất là nhân dân khu vực quanh Hồ Gươm nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định nêu trên của TP…

Trước đó, ngày 15/2, tại Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ rùa Hồ Gươm với sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn rùa châu Á cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đều bày tỏ lo ngại trước thực trạng cụ rùa đang bị thương trầm trọng. Các ý kiến cũng khẳng định nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cụ rùa là môi trường sống ô nhiễm, cùng với sự xuất hiện của rùa tai đỏ ở Hồ Gươm và các vết thương nặng trên lưng - điều này đã và đang từng ngày ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng cụ rùa. Đa số ý kiến tham dự hội thảo đề xuất cần phải tiến hành ngay các biện pháp chữa trị các vết thương cho cụ.

Ngày 17/2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ra quyết định (807/QĐ-UBND) về việc thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa Hồ Gươm. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách chữa trị, chăm sóc và bảo vệ cụ rùa. Đồng thời chỉ đạo các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường Hồ Gươm. Trước mắt thu dọn chướng ngại vật, nạo vét lòng hồ theo kế hoạch, đánh bắt và xử lý rùa tai đỏ, xử lý ô nhiễm nước Hồ Gươm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban chỉ đạo khẩn cấp cụ rùa triển khai ngay các nhiệm vụ được giao.

Từ cuối tháng 12/2010, khi cụ rùa nổi trên mặt hồ Gươm đã có nhiều vết thương và trong những lần cụ rùa nổi vào tháng 2/2011 mới đây thì các vết thương ở maivà đầu cụ rùa biểu hiện rất nặng.

Rùa Hồ Gươm hiện đứng đầu danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện theo các chuyên gia về rùa thì trên thế giới chỉ còn 4 cá thể thuộc loài rùa Hồ Gươm.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.

Cùng hiến kế cứu cụ rùa Hồ Gươm


(Theo VTC)