-Cứ thế, bao giờ người dân đi ngang qua các công trình xây dựng hết tình trạng “nín thở cầu thoát thân”?
>> Thanh sắt oan nghiệt và lưỡi tầm sét trên Thiên đường
Sập giàn giáo đường sắt trên cao tại Hà Nội ngày 28/12/2014 là vụ tai nạn thứ 2 liên tiếp xảy ra trên công trình này. May mắn cả 4 người ngồi trên xe taxi trước đó kịp thoát thân. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ cũng như yêu cầu nhà thầu chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng tai nạn từ những công trình xây dựng vẫn đang là vấn đề xã hội phải quan tâm.
Hiểm họa rình rập trên đường phố
Những hình ảnh của khối sắt thép đồ sộ đổ sập xuống tại khu vực xây dựng đường sắt trên cao tại đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội khiến cả trăm công nhân phải ra sức dọn dẹp, giải tỏa thật đáng sợ. Bởi nếu như lúc đó không phải là sáng sớm mà vào giờ đi làm thì chẳng biết thiệt hại về người sẽ đến mức nào? Trong khi công trường này lại nằm sát khu vực đông dân cư với lưu lượng người đi lại rất đông. Và ngay đầu tháng 11/2014 đã có một người bị chết vì tai nạn và 2 người bị thương khi bó thép của công trình này rơi xuống bất ngờ.
Trên nhiều báo và trang mạng, người dân trong khu vực Trần Phú, Hà Đông bày tỏ sự lo lắng cho an toàn của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, họ chắc chắn không phải là các trường hợp ngoại lệ. Ngay trên nhiều con đường lớn tại Hà Nội và thành phố TPHCM hiện nay có không ít các công trình xây dựng, công trình giao thông đang được xây dựng ngay sát các khu dân cư và luồng giao thông của người dân.
Không khó khăn gì khi thấy những công trình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Chẳng hạn như những chiếc cần cẩu lớn được dựng ngay bên lề đường. Nhìn bề ngoài chúng vẫn ở trong vòng rào chắn, nhưng lại chẳng xa luồng giao thông phía dưới bao nhiêu. Nếu như có sự cố xảy ra làm ngã đổ, thì chính khối sắt thép này, các vật liệu đang được mang theo có thể gây tai nạn thảm khốc khi rơi xuống.
Hoặc những cây cầu vượt trên cao đang trong quá trình lắp đặt các cấu kiện sắt thép hay đổ bêtông cũng hoàn toàn có thể gây ra các tai nạn khôn lường… Đó là chưa kể những cái “bẫy” là lô cốt hay các hố sâu, nắp cống dang dở tại các đoạn đường thi công kéo dài hết tháng này sang tháng khác đã từng gây tai nạn chết người [1]…
Điều đáng nói là cho đến nay, dường như chỉ khi nào có tai nạn xảy ra, thậm chí xảy ra liên tiếp thì các nhà quản lý mới xem xét đến vấn đề này. Trong khi điều cần nhất chắc chắn không phải là “mất bò mới lo làm chuồng”, mà phải có các giải pháp căn bản để bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản cho cư dân tại chỗ và khách vãng lai.
Bởi phòng chống từ gốc mới là điều quan trọng, chứ nếu đã xảy chuyện mới ra quyết định kỷ luật quan chức thì đành rằng đó là hành động quyết liệt, nhưng cũng không thể cứu vãn sự đã rồi, không lấy lại được mạng người. Và cứ thế, bao giờ người dân đi ngang qua các công trình xây dựng hết tình trạng “nín thở cầu thoát thân”?
Chiếc taxi bẹp nát dưới giàn giáo đường sắt trên cao bị sập. Ảnh: Nhị Tiến |
Tai nạn lao động gia tăng
Cùng với nỗi lo của người dân khi di chuyển và sống quanh các công trường, thì an toàn lao động cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ.
Hồi cuối tháng 7/2014, khi đang thi công Nhà máy nước thuộc dự án Formosa, Hà Tĩnh, giàn giáo cao 14 m ở đây bị sập làm cho 2 công nhân thiệt mạng và 3 công nhân khác trọng thương. Trước đó, hồi tháng 6, tại dự án cầu vượt ngã ba Tân Vạn, Bình Dương cũng xảy ra một vụ sập sàn bêtông ướt mặt cầu khiến cho một công nhân tử vong tại chỗ. Cũng trong năm qua, một vụ rơi thang máy tự do tại công trình xây dựng nhà CT 10, chung cư Đại Thanh, Hà Nội từ tầng 18 xuống dưới đã làm 3 công nhân tử vong, v.v…
Thống kê từ bộ Bộ LĐ&TBXH cho thấy, tai nạn lao động có xu thế tăng. Bình quân từ 1992 - 2000, mỗi năm xảy ra 3.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 350 người. Giai đoạn sau số vụ tai nạn lao động tăng gấp đôi, làm gần 600 người chết. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có 3.500 vụ tai nạn lao động làm 3.505 người bị nạn, trong đó có 280 người chết, 660 người bị thương nặng và 58 vụ có từ 2 người bị nạn trở lên.
Điều đáng nói, theo thông tin cung cấp tại buổi họp thẩm tra dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động tháng 9 vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội, cho biết, số liệu của ngành Y tế về tai nạn lao động chết người gấp 20 lần con số 600 trên báo cáo [2].
Trong khi đó, vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh không khai báo, điều tra tai nạn lao động chết người để tìm nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục.
Và chỉ có 15% người lao động được huấn luyện về an toàn lao động cũng như chỉ vẻn vẹn 2% số vụ tai nạn lao động gây chết người bị truy cứu hình sự.
Hiện Quốc hội đang chuẩn bị cho việc soạn thảo Luật An toàn vệ sinh lao động. Dự luật này khi ra đời cùng hệ thống thanh tra an toàn vệ sinh lao động có thể giúp quản lý tốt hơn tình trạng này.
Nhưng trong khi chờ đợi, ở tình trạng dễ xảy ra tai nạn hiện nay, để tự cứu mình, có lẽ người dân chỉ còn cách mua bảo hiểm tai nạn cho bản thân và hạn chế tối đa lưu thông hay làm việc ở quanh các khu vực có công trình xây dựng. Cùng với đó là nâng cao ý thức về an toàn, cũng như các biện pháp đồng bộ khác của nhà nước.
-----
Tham khảo:
- Miệng cống, hố ga thành bẫy 'tử thần' trên phố Sài Gòn, VnExpress, 21/10/2014.
- Luật An toàn vệ sinh lao động: Cụ thể hóa trách nhiệm của UBND cấp xã, báo Lao động, 12/11/2014.
- 600 vụ tai nạn lao động chết người một năm chỉ là bề nổi, VnExpress, 27/9/2014.