- Năm 2015, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục mua 1,8 tỷ kWh, dù trong nước đủ điện, dự phòng cao. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định hết năm 2015 sẽ hết hạn hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Phó Tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cho biết, Việt Nam đã mua điện Trung Quốc từ năm 2004 và đến hết năm 2015, sẽ hết hạn hợp đồng nhập khẩu này.

Giải thích về lý do nhập điện từ Trung Quốc, ông Tri nói: "Chúng ta trải qua những năm bị hạn hán như 2008-2010, miền Bắc thiếu điện trầm trọng, thuỷ văn khô hạn... Những năm này, chúng tôi đã ký mua điện của Trung Quốc với sản lượng cao, có thời kỳ cao nhất là 5,6 tỷ kWh vào năm 2010".

Theo ông Tri, từ năm 2012 trở lại đây, lượng điện nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Năm 2012, EVN chỉ mua 3,2 tỷ kWh, năm 2014, mua 2,29 tỷ kWh và dự kiến năm 2015, sẽ chỉ còn mua 1,8 tỷ kWh vào năm 2015.

{keywords} 

"Rõ ràng, khi thiếu thì ta phải nhập, giờ có đủ nguồn, thuỷ điện thuận lợi thì cần giảm nhập khẩu. Vào những năm ta thiếu điện, nếu không mua từ nguồn này, EVN sẽ phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn", ông Tri khẳng định.

Thêm vào đó, việc nhập khẩu điện này còn liên quan đến các bài toán về hiệu quả kinh tế và năng lực truyền tải của lưới điện.

Ví dụ, mặc dù hiện nay, Việt Nam đủ điện nhưng điện cấp 110kV ở một số khu vực biên giới miền Bắc lại có điện áp rất thấp. Nếu lấy điện từ Cẩm Phả, Quảng Ninh ra thì không đảm bảo an toàn. Do đó, "EVN đang làm đường dây 220kV, đảm bảo điện áp cho khu công nghiệp Hải Hà. Hiện, khu vực này mua điện từ Trung Quốc rẻ hơn, đảm bảo hơn", ông Tri diễn giải.

Liên quan đến giá điện nhập khẩu, ông Tri cho hay, đơn giá nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn nhiều so với giá điện của nhà máy nhiệt điện than, tua bin khí, nhưng lại cao hơn so với giá điện của thuỷ điện. Song, vị Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, việc mua điện ở các nước gần biên giới là bình thường.

Ông dẫn chứng, Mỹ cũng mua điện của Canada còn rẻ hơn là điện tự sản xuất. EVN cũng đã tham gia chương trình kết nối lưới điện các nước ASEAN, đặc biệt các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Việc kết nối điện như vậy sẽ giúp chúng ta tận dụng dư thừa điện của các nước xung quanh khi có nhu cầu tăng trưởng. Ngược lại, hệ thống điện của ta sẽ được tăng dự phòng, có độ tin cậy cao hơn.

Đặc biệt, việc kết nối và mua điện từ các nước láng giềng cũng góp phần làm giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.

Hiện thời gian đầu tư xây dựng công trình điện tại Việt Nam đòi hỏi thời gian khá lâu. Một nhà máy thuỷ điện mất 10 năm, nhiệt điện 7 năm. Ví dụ, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là gần 50 tháng, từ lúc ký hợp đồng đến lúc phát lên lưới điện, chưa kể hàng năm trời khảo sát, đàm phán.

"Khi tất cả các nước góp 10% điện thì tự nhiên, công suất khả dụng của ta cũng cao hơn, giảm sức ép về đầu tư", ông Tri nói.

Tóm lại, đại diện lãnh đạo EVN đánh giá, việc ta mua điện của Trung Quốc, bán điện cho Lào là vì lợi ích các quốc gia, không riêng của Việt Nam.

Năm 2014, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của EVN là 142,5 tỷ kWh tăng 10,76%. Con số này vượt mức kế hoạch là 62,1 tỷ kWh. Điện thương phẩm là 128,4 tỷ kWh, tăng 11,41%.

Dự kiến năm 2015, EVN ước sản xuất và mua ngoài là 156,9 tỷ kWh, tăng 10,3% so với năm 2014. Điện tương phẩm dự kiến là 141,8 tỷ kWh, tăng 10,4% so với năm 2014.

Tỷ trọng điện nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 1,6% năm 2014 xuống 1,1% năm 2015.

Phạm Huyền