Tam Dương là huyện trung du, nằm ở trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích tự nhiên trên 10 nghìn ha và dân số trên 110 nghìn người. Huyện Tam Dương được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1998 theo Nghị định 36/1998/NĐ-CP ngày 9/6/1998 của Chính phủ. Hiện nay, huyện có 11 xã và 2 thị trấn.

Sau 25 năm tái lập, huyện Tam Dương có những bước tiến ngoạn mục, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đưa Tam Dương vững bước đi lên. Từ một huyện thuần nông, Tam Dương đã bứt phá, chuyển động mạnh mẽ với khát vọng trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030.

Khi mới tái lập, Tam Dương gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, công nghiệp hầu như chưa có, thương mại là lĩnh vực chính trong ngành dịch vụ nhưng quy mô nhỏ bé.

Trước muôn vàn khó khăn, quyết tâm chính trị xây dựng quê hương giàu mạnh, BCH Đảng bộ huyện đã đề ra những mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn. 

Xác định mục tiêu trước mắt là lấy nông nghiệp làm yếu tố thúc đẩy nền kinh tế; phát huy tối đa các thế mạnh, tiềm năng ở địa phương. Các xã vùng đồi gò tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả... Chỉ trong thời gian ngắn triển khai chương trình cây ăn quả tập trung, phát triển kinh tế đồi rừng, diện tích trồng cây ăn quả tăng đáng kể, từ 160 ha (ngày đầu tái lập huyện) tăng lên hơn 425 ha (năm 1998), góp phần đưa nhóm ngành nông, lâm nghiệp của huyện chiếm tỷ trọng lớn với 65% cơ cấu nền kinh tế.

Nhận diện được lợi thế từ hệ thống các quốc lộ, tỉnh lộ, cao tốc, đường sắt chạy qua rất thuận cho giao lưu kinh tế; đồng thời là địa bàn giáp ranh với tỉnh lỵ, liền kề nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng... huyện Tam Dương đã tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông.

tamduong.png
Huyện Tam Dương đã tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông

Đến nay, hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2000 - 2005 xác định mục tiêu chủ yếu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra.

Giờ đây bên cạnh nông nghiệp, công nghiệp đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế của huyện. Nếu như năm 1998 khi huyện mới tái lập và đi vào hoạt động có rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp thì đến nay trên địa bàn huyện có 1 cụm kinh tế - xã hội và 2 khu công nghiệp được quy hoạch.

Bước vào giai đoạn mới, bên cạnh việc duy trì, phát triển các ngành công nghiệp sẵn, Tam Dương đang tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng, kết nối với các địa phương trong tỉnh, giữa các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, phát triển công nghiệp.

Theo quy hoạch, huyện có 4 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 540ha và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 600ha. Hiện có 2 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng. Trên địa bàn huyện có hơn 300 doanh nghiệp.

Với ý chí và tầm nhìn xa, trong 25 năm qua, từ một huyện nghèo, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 5,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3 triệu đồng/năm, đến nay, Tam Dương đã trở thành huyện có nền kinh tế khá của tỉnh Vĩnh Phúc và phát triển toàn diện trên tất cả các mặt.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV