Ngày nay, những cuộc tranh cãi gay gắt nhất về việc liệu các nhà quản lý có nên (và nếu có thì nên thế nào) bảo vệ các công ty sản xuất xe ô tô, các hãng báo chí và bao ngành công nghiệp khác khỏi ảnh hưởng tiêu cực của những gã khổng lồ công nghệ lại xảy ra đầu tiên ở Brussels, Paris và Berlin chứ không phải là Washington hay San Francisco.

Thứ 6 tuần trước, Đức đã tuyên bố án phạt lên tới 50 tỉ Euro đối với các mạng xã hội vì không kịp thời gỡ bỏ các status có nội dung xúc phạm và liên quan đến khủng bố dù Facebook và các công ty khác đã lên tiếng phản đối kịch liệt, cam kết giải quyết vấn đề bằng cách tự điều chỉnh. Đây là động thái tiếp theo ngay sau khoản tiền phạt kỷ lục 2,42 tỉ Euro của EU dành cho Google với cáo buộc độc quyền chức năng tìm kiếm tại châu lục này.

Những quyết định này có tác động rất lớn lên các công ty tại châu Âu, một trong những thị trường quan trọng nhất trên thế giới với 500 triệu người dùng. Các phán quyết cũng ảnh hưởng đến các nhà quản lý, tòa án và công chức chính phủ trên toàn cầu. Tuần này, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cũng thông báo sẽ tiến hành kiểm tra và có biện pháp giới hạn thị trường của Google và Facebook.

Google nói hãng này “không đồng tình” với quyết định của EU và sẽ xem xét làm đơn kháng cáo, đồng thời không đưa ra bình luận gì trước thông báo của hãng tin Yonhap.

Một vài vấn đề tương tự đang được các cơ quan trung ương của Mỹ xem xét, dù không gấp gáp và quyết liệt như vậy. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng đang tính toán lại những chính sách vốn được dùng để ươm mầm và nuôi dưỡng ngành công nghiệp công nghệ từ những ngày đầu và giờ những công ty này đang vươn đến mọi ngóc ngách của ngành kinh tế.

Các công ty công nghệ còn phải đối mặt với một thực tế đáng buồn khác là họ đã mất nhiều đồng minh tại Nhà Trắng khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc. Khi Đảng Cộng hòa lên nắm quyền vào tháng 1, nhiều nhà lập pháp trong đảng này bắt đầu đảo ngược các chính sách quan trọng ưu ái ngành công nghiệp công nghệ từ thời Obama.

Một trong các chính sách này bao gồm các quy định về “mạng lưới trung lập” theo đó sẽ ngăn các nhà cung cấp băng thông rộng ưu tiên một số nội dung nhất định. Thêm vào đó, các quy định về quyền riêng tư cũng chỉ đánh vào các công ty viễn thông chứ không phải công ty công nghệ.

Những người ủng hộ thị trường tự do tại Mỹ và châu Âu coi các động thái trên là vỏ bọc của sự can thiệp chính trị và thậm chí là chính sách bảo hộ. Châu Âu đã thống trị kỷ nguyên di động trong những ngày đầu nhưng hiện không có công ty công nghệ nào xứng tầm đối thủ của Google hay Facebook.

Tổ chức theo dõi chống độc quyền của châu Âu vẫn tiếp tục điều tra những lĩnh vực khác của Google và hãng chip Qualcomm với cáo buộc lạm dụng ảnh hưởng trên thị trường. Tổ chức này cũng ngầm điều tra liệu Amazon có cơ sở tại thiên đường thuế Luxembourg hay không. Tất cả các công ty công nghệ này đều phủ nhận cáo buộc.

Trong khi đó, EU lại tiếp tục cân nhắc một loạt chính sách mới đối với các nền tảng Internet để ngăn ngừa các điều khoản bất công với các công ty nhỏ, sử dụng dịch vụ của họ để bán hoặc quảng bá sản phẩm.

Châu Âu cũng tuyên bố sẽ tiến hành điều tra toàn diện đối với Facebook trong việc xử lý các thông tin cá nhân từ ứng dụng chat WhatsApp.

Tương lai của các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon trên lục địa này dường như không còn tươi sáng.