Suốt một tháng vừa qua, Huawei như ngồi trên tàu lượn siêu tốc. Ngày 17/5, công ty bị đưa vào danh sách cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ. Theo đó các nhà cung ứng phải có giấy phép từ Washington để bán linh kiện cho tập đoàn Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) vào tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm. Các công ty Mỹ có thể tiếp tục tự do giao thương với Huawei.
Chỉ cách đây vài tuần, công ty bị cắt nguồn cung chipset, modem di động và thậm chí là cấu trúc ARM cơ bản để sản xuất vi xử lý HiSilicon Kirin. Bây giờ, Huawei có thể thở phào nhẹ nhõm.
Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20. Ảnh: Getty Images. |
Dù Huawei phải chịu nhiều thiệt hại, nhưng nạn nhân lớn nhất của cuộc chiến thương mại lại là các tập đoàn ở Thung lũng Silicon - những nhà cung ứng quan trọng, theo The Next Web.
Thời gian qua, “gót chân Achilles” của Huawei đã lộ diện. Công ty phụ thuộc quá nhiều vào đối tác phương Tây như Intel, Qualcomm, Google và ARM. Từ bây giờ, nhà sản xuất Trung Quốc phải làm việc thêm để đảm bảo mình không bao giờ rơi vào tình huống bấp bênh như vậy nữa.
Theo một nghĩa cơ bản, trong những năm tới, các công ty Trung Quốc sẽ cảnh giác với việc tìm nguồn cung linh kiện từ đối tác nước ngoài.
Mỗi năm, những tập đoàn như Huawei hay BBK Electronics (công ty mẹ của Oppo, Vivo và OnePlus) dành hàng tỷ USD để có giấy phép sử dụng công nghệ nước ngoài. Song một khi các đơn vị cung ứng Trung Quốc bắt kịp đối thủ quốc tế, phần lớn nguồn chi đó sẽ quay trở lại thị trường nội địa.
Huawei sẽ nhanh chóng lấy lại phong độ nhờ những thiết bị di động chất lượng cao của mình. Ảnh: TNW. |
Các công ty phương Tây có thể thất thoát hàng tỷ USD doanh thu. Tất cả vì Tổng thống Trump đã quyết định sử dụng Huawei như con tốt trong cuộc chiến thương mại.
Thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị cho quá trình thay thế từ lâu. Năm 2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố chiến dịch “Made in China 2025”, mục tiêu biến quốc gia này thành nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Điều đó nghĩa là các công ty phương Tây phải cạnh tranh gay gắt hơn, hoặc chấp nhận mất đi thị trường giàu có với hơn một tỷ người.
Ở khía cạnh tích cực, điều này sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, đem đến lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Mặt khác, quá trình toàn cầu hóa công nghệ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các quốc gia tự rút lui về sau biên giới của mình. Với mong muốn tạo lập những đế chế riêng, sự hợp tác quốc tế sẽ trở thành điều xa xỉ trong tương lai.