Vợ tôi lâu nay là người an phận thủ thường nên khi nghe tôi bàn tính liền giãy nảy lên. Thế mà giờ cô ấy biết chuyện tày đình tôi đã làm, không biết cô ấy sẽ phát điên thế nào?

Mỗi tháng sau khi đưa hết lương cho vợ tôi được cô ấy “thối” lại 900 nghìn đồng. Thực ra số tiền được lẽ ra phải đưa cho tôi là 1 triệu nhưng cô ấy cố rút bớt 100 nghìn để thêm đồng dư vào quỹ tiết kiệm gia đình.

Rồi cô ấy còn hỏi: “Em đưa thế liệu anh có đủ tiêu không?”. Tôi trả lời: “Bao nhiêu cũng đủ”. Đó là cách trả lời có đôi chút tự ái nhưng vợ tôi không nhận ra. Cô ấy coi việc đưa cho chồng 900 nghìn mỗi tháng lo tiền xăng, uống nước vậy là ổn. Tính tôi ngại lời qua tiếng lại chuyện tiền bạc nên vợ đưa cho bao nhiêu biết bấy nhiêu và đành tự cân đối trong khoản ngân sách đó.

Lương tôi mỗi tháng 5 triệu, ngoài lương ra không có thêm khoản thưởng hay quà cáp gì. Vợ tôi lương tháng 3 triệu. Hai vợ chồng đang thuê nhà 1 triệu/tháng, nuôi con nhỏ hai tuổi. Con nhỏ phải gửi nhà trẻ tư, chi phí 1,4 triệu mỗi tháng. Chưa kể ăn uống, sinh hoạt thì tháng nào cũng phải chi cố định 2,4 triệu. Chúng tôi còn lên kế hoạch tháng nào cũng phải tiết kiệm ít nhất một triệu để gom dần sau này mua nhà trả góp. Nói thể để mọi người hình dung cuộc sống chật vật, eo hẹp hiện tại của chúng tôi.

Đó cũng là tình trạng chung của không ít gia đình trẻ ở thành phố hiện nay. Chúng tôi từ quê lên thành phố học đại học rồi ở lại lập nghiệp, không có ai dựa dẫm, làm việc tại những công ty nhỏ. Biết vậy nên dù số tiền vợ đưa cho có ít ỏi tôi vẫn cam lòng.

{keywords}

Mỗi tháng sau khi đưa hết lương cho vợ tôi được cô ấy “thối” lại 900 nghìn đồng. (Ảnh minh họa)


Chính vợ tôi cũng hàng ngày phải tằn tiện, tiết kiệm hết mức. Quần áo chỉ mua sắm vào những đợt có giảm giá mạnh. Không dùng mỹ phẩm. Sáng dậy sớm nấu cơm ăn rồi hai vợ chồng hai cặp lồng mang đến cơ quan. Hoa quả thỉnh thoảng mới ăn và cũng chỉ ăn những loại vừa tiền.

Cũng may là nhà trọ tôi thuê gần cơ quan nên xăng không hao mấy. Nạp thẻ điện thoại thì cũng chỉ nạp vào những đợt có chương trình khuyến mại. Vì thế tôi vẫn rủng rẻng tiền để đãi đồng nghiệp cà phê vỉa hè, không đến nỗi là thằng ti tiện. Còn khoản nhậu thì gần như không tham gia. Lâu lâu tôi mời vài người bạn thân thiết về nhà ăn cơm vợ nấu. Nhà trọ chật chội các bạn cũng ít đến. Cuộc sống cứ trôi qua buồn tẻ nhưng bình yên như vậy.

Một ngày, không hiểu sao một người bạn nói với tôi, vợ chồng mày thiển cận, chỉ lo tiết kiệm từng bữa ăn chứ không nghĩ được gì xa. Tôi thật thà kể cho anh nghe mức sống của gia đình mình, anh cười xót xa bảo rằng chúng tôi phải thay đổi về tư duy, mà người cần thay đổi trước tiên là tôi.

Thay đổi như thế nào, tôi thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu. Bao nhiêu năm nay tôi quen thế này, sáng đi làm, tối về nhà với vợ con, giờ bảo tôi thay đổi là thay đổi như thế nào? Anh nói rằng tôi phải chủ động tìm kiếm các mối quan hệ thì mới có cơ tìm thêm việc làm ngoài hoặc thay đổi công việc để có thu nhập cao hơn. Muốn vậy tôi phải có tiền để đi xã giao. Xã giao ở đây không phải là chạy chọt gì ai mà là giao lưu chuyện trò trên bàn nhậu thì việc nó mới ra.

Rồi anh lấy ví dụ từ bản thân. Anh đã mạnh tay đứng ra hẹn hò, thông qua bạn bè xây dựng những mối quan hệ phù hợp nên giờ anh chân trong chân ngoài ngon lành, thoát khỏi cảnh bần hàn.

Tôi bàn với vợ chuyện này. Cô ấy vốn dĩ đã an phận thủ thường, thích chắt bóp nay nghe chồng nói vậy thì giãy nảy. Tôi lâu nay đang bình chân như vại, nghe anh bạn bốc lên cũng thấy chồn chân, muốn làm gì đó, muốn tìm kiếm cho mình cơ hội. Vì chuyện này mà vợ chồng thỉnh thoảng lại xích mích, bắt đầu xuất hiện những bất đồng.

Nghe tôi bàn mãi cuối cùng cô ấy cũng chán không nói gì nữa, mặc tôi muốn làm gì thì làm. Vậy là tôi tự ý sử dụng số tiền vợ chồng tiết kiệm được mấy năm để đi tạo "mối quan hệ xã hội”.

{keywords}

Giờ thì đâm lao rồi, không theo cũng chết, mà theo thì không biết thế nào. Biết nói gì với vợ bây giờ? (Ảnh minh họa)


Gọi là “quan hệ xã hội” nhưng thực ra là mời mọi người đi ăn nhậu và sau đó mình là người chủ động thanh toán. Mỗi bữa nhậu sơ sơ cũng ngốn hết cả một tháng tiết kiệm của hai vợ chồng. Xót xa một chút khi đó nhưng tôi cũng thấy vui vì quen biết nhiều anh em hơn, tầm nhìn mở rộng.

Một người bạn trong số đó rủ tôi cùng chung vốn mở xưởng may quần đùi nam, khẩu trang và tất với một người anh em. Chúng tôi bàn bạc kỹ càng, thấy dự án rất khả quan nên tôi lặng lẽ rút toàn bộ số tiền tiết kiệm được là 100 triệu chung vốn. Tôi không dám bàn với vợ vì biết cô ấy vốn rất đề phòng chuyện làm ăn tự do ở bên ngoài.

Tiền đã góp 3 tháng rồi mà xưởng may thấy vẫn chưa có kế hoạch gì. Tôi và người bạn nữa thúc giục và muốn nắm tiến độ thì người bạn trưởng nhóm mỗi lần lại đưa ra một lý do giải thích sự chậm trễ.

Linh tính chẳng lành hai chúng tôi tìm gặp anh để xin rút vốn thì anh nói tiền đã triển khai vào việc hết rồi. Nhưng khi anh dẫn chúng tôi tới xem mặt bằng anh thuê thì tôi chết đứng. Cả khu vực vẫn ngổn ngang rác bẩn với cây cỏ um tùm, thử hỏi bao giờ xưởng mới mọc lên?

Tôi chán nản quay về, tay chân rụng rời, giờ thì đâm lao rồi, không theo cũng chết, mà theo thì không biết thế nào. Biết nói gì với vợ bây giờ?

(Theo Trí thức trẻ)