Nhận định được các chuyên gia y tế đưa ra đều dựa trên các cơ sở khoa học hết sức chắc chắn, nhưng lại “hé lộ” những nghi vấn về trách nhiệm trong quản lý y tế cũng như hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm nay ở nước ta.
Ngày nay việc sử dụng văcxin trong phòng bệnh đặc hiệu là chính sách của tất cả các nước trên thế giới, nhưng hiệu quả kiểm soát dịch bệnh cũng còn phụ thuộc vào chất lượng của bộ máy y tế ở mỗi quốc gia.
Những bất thường từ những điều... bình thường?
Sởi là một bệnh gây thành dịch với nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Trước khi có văcxin, bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 05 tuổi. Cho tới năm 2010, trên thế giới cứ 04 phút có một người chết vì bệnh sởi.
Số trẻ mắc bệnh vẫn đang tăng ở các bệnh viện Nhi. Ảnh: Thanh Huyền |
Chính vì vậy, văcxin phòng bệnh đặc hiệu đối với bệnh sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nhằm mục đích giúp cho cơ thể đứa trẻ chủ động tạo ra kháng thể đặc hiệu với vi rút sởi ngay từ những tháng năm đầu đời.
Nước ta sau 03 năm không có ca mắc sởi nào, nhưng từ cuối năm 2013 những thông tin ban đầu về những ca bệnh sởi xuất hiện lẻ tẻ ở vài tỉnh, đến nay sau hơn 04 tháng đã lan rộng tới 59/63 tỉnh, thành phố.
Trái ngược với nhận định, virus sởi không có sự biến đổi về gen gây bệnh cũng như thay đổi độc lực và dịch bệnh đang giảm dần, trên thực tế, tại bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân sởi vẫn tăng lên nhanh chóng, gây nên hiện tượng quá tải, làm tăng khả năng bệnh lây chéo giữa các bệnh nhân cũng như nhiễm khuẩn bệnh viện, làm cho các biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do sởi rất nặng.
Cho tới nay đã có hơn 100 bệnh nhi tử vong vì sởi và các biến chứng liên quan tới sởi, hiện con số tử vong vẫn tăng lên hàng ngày, cho thấy; sự lúng túng nếu không muốn nói là bất lực của phân tuyến kỹ thuật, và điều trị, trong quản lý ngành y, khi có dịch bệnh xẩy ra trong thời gian qua, và tính chất phức tạp của dịch sởi năm nay khác hẳn với diễn biến của sởi "cổ điển".
Nhưng Bộ Y tế và các tỉnh nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng vẫn chưa công bố dịch. Trên phương diện quản lý nhà nước, trước câu hỏi Bộ Y tế có giấu dịch hay không, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Hà Nội có công bố dịch hay không là quyền của UBND TP Hà Nội và Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu. Sau đó, Bộ Y tế mới có thể có ý kiến, chúng tôi (Bộ Y tế) không có quyền trả lời thay”
Dưới góc độ chuyên môn, giải thích về việc tại sao Bộ Y tế chưa công bố dịch, các chuyên gia y tế có những nhận định rất chắc chắn, mà nói theo đời thường là ‘chuẩn không cần chỉnh’. Dịch sởi năm nay vẫn bình thường ...trong tầm kiểm soát. Dịch sởi năm nay là do tính chất chu kỳ xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Và bởi vì, theo các nghiên cứu của Bộ Y tế, vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của vi rút sởi thì cũng chưa có gì bất thường.
Nhận định được các chuyên gia y tế đưa ra đều dựa trên các cơ sở khoa học hết sức chắc chắn nhưng lại “hé lộ” những nghi vấn về trách nhiệm trong quản lý y tế cũng như hiệu quả của chương trình TCMR nhiều năm nay ở nước ta.
Vì sởi là bệnh truyền nhiễm gây thành dịch bùng phát hàng năm. Vậy tại sao nước ta dịch sởi lại có sự thay đổi với chu kỳ 4- 5 năm? Nhưng khi chuyên gia y tế đã biết có sự khác biệt như vậy, thì họ (các chuyên gia y tế này) cũng có thể ‘dự báo’ trước được sự bùng phát của dịch sởi năm nay.
Vậy xin cho người dân được đặt một câu hỏi; với lương tâm của người thầy thuốc và trách nhiệm của người quản lý, tại sao không thấy ai cảnh báo/dự báo trước dịch sởi năm nay(!?). Một cảnh báo sớm dựa trên những cơ sở khoa học chắc chắn, sẽ giúp ngành y tế chủ động trong tổ chức phòng chống dịch, có thể đã làm giảm được số trẻ mắc cũng như số trẻ tử vong trong kỳ dịch sởi năm nay.
Có một điều “lạ” trong dịch sởi năm nay, là sởi xuất hiện ở cả hai nhóm: Một là- người lớn và hai là- các cháu bé dưới 09 tháng tuổi, do không có được miễn dịch thụ động từ người mẹ truyền cho. Trong khi đó các nghiên cứu của Bộ Y tế về‘vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của virus sởi thì cũng chưa có gì bất thường’. Như vậy, chương trình TCMR đã không đạt được hiệu quả phòng bệnh từ nhiều năm trước đây?
Chính vì vậy, nhiều bà mẹ trẻ hiện nay đã không có kháng thể đặc hiệu bảo vệ con mình trong 09 tháng đầu đời. Nó cũng phản ánh trung thực vấn đề chất lượng của bộ máy quản lý y tế ở nước ta nói chung và ngành y tế dự phòng nói riêng.
Việc các chuyên gia/quan chức đầu ngành của hệ y tế dự phòng còn đang giữ vững quan điểm chưa đủ điều kiện công bố dịch sởi đầu năm nay, khiến nhiều người lại nhớ lại những kết luận chắc chắn ‘như đinh, đóng cột’: Không rõ nguyên nhân, không liên quan ... của các vị chuyên gia y tế này về hiện tượng các trẻ em bị tử vong sau khi tiêm phòng Vắc xin Quinvaxem.
Những kết luận như vậy, trong khi hiện tượng trẻ tử vong sau tiêm loại văcxin này vẫn tiếp tục tái diễn, thì chỉ làm cho người dân mất dần niềm tin vào Quinvaxem, cũng như các loại văcxin khác được dùng trong chương trình tiêm chủng ở nước ta.
Những câu hỏi đau xót
Sự thật nhiều năm nay, các loại văcxin được dùng trong chương trình TCMR hầu như đều được tài trợ từ nước ngoài, thông qua sự giúp đỡ của WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Hiện tượng trẻ tử vong sau tiêm phòng trong năm qua đã khẳng định trẻ em Việt Nam đã không được dùng văcxin tốt như trẻ em Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... vì đất nước ta còn nghèo là sự thật rất đáng hổ thẹn và rất đau xót.
Chương trình TCMR được triển khai ở nước ta từ năm 1984 để phòng 11 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em trong đó có bệnh sởi. Diễn biến phức tạp của dịch sởi năm nay cho thấy ‘hình như’ chương trình TCMR đã không đạt được mục tiêu tạo miễn dịch đặc hiệu đối với 11 loại bệnh cho các đối tượng của chương trình này. Một trong nhiều nguyên nhân là vấn đề chất lượng của văcxin. Nếu nhận định này là đúng, thì sau dịch sởi năm nay sẽ đến dịch bệnh nào sẽ tiếp tục bùng phát (?!).
Đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất văcxin cho chương trình TCMR là chủ trương rất đúng, nhưng để nghiên cứu thành công, sản xuất được tất cả các loại văcxin tốt cũng cần có thời gian, không phải một sớm, một chiều. Còn với tình hình tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực y tế như hiện nay thì thật sự là khó, nếu không muốn nói thẳng ra là chỉ là giấc mơ xa xôi.
Ngay cả các cường quốc có nền công nghiệp hóa- dược, công nghệ sinh học y dược phát triển, vẫn phải mua văcxin không phải thế mạnh của họ. Ví dụ như Hàn Quốc họ có thể tự sản xuất văcxin Quinvaxem để bán rẻ cho các nước nghèo trong đó có Việt Nam, nhưng lại mua văcxin tốt hơn, đắt hơn dùng cho con cháu của họ.
Vậy nên một đề xuất mới đây của nhà báo Kỳ Duyên về "Quỹ văc xin trẻ em" - (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132818/an-tuong-trong-tuan--sinh--tu-va-chua----dang-ngon-.html) rất đáng được quan tâm. Việc xây dựng “Quỹ văcxin trẻ em”, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước. Quỹ này có thể huy động sự đóng góp của cả xã hội, của cha mẹ các cháu bé, để mua những loại văcxin có chất lượng tốt nhất cho chương trình TCMR.
Xây dựng một quỹ với “đặc thù” như vậy, là hành động rất cụ thể vì trẻ thơ, thật sự rất nên làm trong tình hình kinh tế hiện nay.
- Bác sĩ Nguyễn Văn Soạn
Xem các bài cùng tác giả Kết luận sốc phản vệ là thiếu thuyết phục Trong cơ thể trẻ sơ sinh chưa có kháng thể đặc hiệu, nên sẽ không có 'chất lạ' nào là nguyên nhân, đủ thuyết phục cho "sốc phản vệ"! s Từ phong bì đến các loại cò bệnh viện Việc nhân viên y tế ăn chia với "cò" bệnh viện là có cơ sở. Có ý kiến cho rằng "cò' bệnh viện cũng là một hệ lụy của hiện tượng quá tải của bệnh viện tuyến trên. s |